Cho trẻ học gì trước khi vào lớp 1?

Ở bậc mầm non, trẻ 5 tuổi đã được nhận diện, làm quen với 29 chữ cái và các số tự nhiên từ 0 đến 10. Tuy nhiên, phụ huynh vẫn không yên tâm, sợ con em vào lớp 1 không theo kịp bạn bè nên ép con học trước cả tiếng Việt và toán, thậm chí từ lớp chồi.

Lợi bất cập hại

Qua khảo sát của một số giáo viên lớp 1, gần như 100% trẻ đều biết viết, đánh vần trước khi vào học. Tuy nhiên, thực tế này lại trở thành khó khăn. Bà Võ Thị Thùy Linh, giáo viên lớp 1 Trường tiểu học Tân Sơn Nhì (Q.Tân Phú, TP.HCM), cho biết: “Cả lớp đều học trước, biết trước nhưng trình độ không đồng đều, tuy nhiên điều đó không nghiêm trọng bằng kiến thức, kỹ năng biết trước lại sai hoàn toàn so với quy định của chương trình giáo dục tiểu học hiện hành”.

 Ở bậc mầm non trẻ đã được làm quen với kỹ năng tập tô, vẽ để chuẩn bị vào lớp 1
Ở bậc mầm non trẻ đã được làm quen với kỹ năng tập tô, vẽ để chuẩn bị vào lớp 1 – Ảnh: Diệp Đức Minh

Bà Bùi Thị Kim Dung, giáo viên lớp 1 Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4), chỉ ra những lỗi học sinh thường gặp như sau: “Hầu hết chữ của trẻ đều viết sai từ các nét cơ bản cho đến độ rộng, độ cao và khoảng cách. Thêm vào đó là cách đánh vần, trẻ học trước thường thực hiện theo kiểu cũ, chẳng hạn chữ “lan” phải đánh vần đúng là “lờ-an-lan” thì trẻ lại đánh vần thành “a-nờ-an-lờ-an-lan”. Ngoài ra, học sinh còn ngồi sai tư thế dẫn đến cách cầm bút, để vở theo thói quen xấu, khó sửa và dễ thành tật”…

Ngoài những điểm sai vừa nêu, bà Lâm Hồng Lãm Thúy, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Thái Học (Q.1), khẳng định: “Việc học trước sẽ lợi bất cập hại bởi do đã biết, khi vào lớp, cô giáo dạy lại từ đầu nên trẻ không tập trung, ít hăng hái học tập, thậm chí trẻ thấy mọi việc đơn giản nên không nỗ lực. Đặc biệt, điều mà phụ huynh lâu nay không để ý là nếu cầm bút quá sớm cơ tay, xương tay của trẻ bị ảnh hưởng và có thể bị móp vì phải gồng nhiều để giữ bút đi nét, đè ngòi bút mạnh khi viết. Từ đó làm cho con chữ của trẻ không được mềm mại”.

Đa số các giáo viên đều cho rằng do quá nôn nóng, nhiều cha mẹ không tìm đúng cô giáo đang dạy lớp 1 mà lại cho trẻ học với gia sư là sinh viên hoặc những giáo viên lớn tuổi, đã về hưu từ lâu không cập nhật những phương pháp đổi mới nên dẫn đến dạy trẻ sai.

Áp lực từ cha mẹ

Bà Kim Dung giảng giải: “Sự bỡ ngỡ khi thay đổi môi trường giữa hai bậc học sẽ làm cho một số trẻ sợ sệt, tâm lý bất ổn. Nhưng tuần đầu tiên cô với trò chủ yếu là làm quen, tạo mối quan hệ tin cậy sau đó mới đến những kiến thức định hình cơ bản, đơn giản về dòng li, đường kẻ, cách đặt bút… Tuy vậy, trẻ ở lứa tuổi này lại dễ bắt nhịp, làm quen được với cô, với bạn. Trong khi đó qua theo dõi, tôi thấy áp lực chủ yếu tập trung về phía người lớn”.

Bà Võ Thị Thùy Linh cũng quả quyết: “Những trẻ chưa biết gì, có thể trong 2 tháng đầu của học kỳ 1 tiếp thu kỹ năng, tốc độ viết hơi chậm so với những bạn đã học trước chứ hoàn toàn không phải học dở. Vì vậy, lúc này người lớn đừng tạo áp lực về điểm số làm cho trẻ thêm hoang mang, lo lắng về sự chậm chạp của mình. Thay vào đó phải lắng nghe, chia sẻ để trả lời những thắc mắc, tạo sự vững tin cho các con. Cha mẹ nên trao đổi kịp thời với giáo viên chủ nhiệm những thay đổi hoặc thông tin của trẻ”.

30 phút mỗi ngày cho kiến thức cơ bản

Theo các giáo viên, nếu như không yên tâm vẫn muốn dạy trẻ trước, phụ huynh có thể mỗi ngày dành khoảng 30 phút để dạy cho con những kiến thức cơ bản. Ngoài những cuốn tập tô giúp tay trẻ cử động một cách mềm mại, uyển chuyển; phụ huynh còn có thể tìm những cuốn sách dành cho giáo viên lớp 1 để biết những hướng dẫn chính xác về từng nét chữ, cách ghép vần… Khi đã sử dụng bút viết nhuần nhuyễn thì cho trẻ sử dụng vở tập viết lớp 1, nhưng chú ý là vở dạng 4 ô li để quen với các nét chữ trong chương trình tiểu học.