Bài viết về những ” Kỷ niệm sâu sắc của thầy cô giáo trong quãng đời dạy học”

ecard-ng-04

 

NƠI CÓ ĐÀN EM

                                            Truyện ký

 

          Sau khi tốt nghiệp sư phạm, tôi đăng ký đi miền núi, nơi mà trước đó ai cũng bảo là : “rừng sâu nước độc”, rồi kèm theo mấy lời.

“Trà Mi đi dễ khó về

Lúc đi trai tráng khi về bủng beo”

Cũng trong thời gian này, tôi và Châu quen nhau đã tròn một năm. Chọn nghề giáo viên mà còn lên núi nên Châu hờn dỗi trách chấp vô ngần. Tối hôm ấy, chuẩn bị hành trang xong, tôi đến nhà cô để tạm biệt lên đường. Vừa đến cổng, nghe tiếng Châu vọng ra, hình như cô đứng đó từ bao giờ.

– Tưởng đâu anh không đến chứ – Châu nói dỗi

– Nào vui lên cho anh đi nhé ! – Tôi vờ không để ý

– Có buồn họ cũng đi rồi kia mà … Tôi đang lúng túng thì cô nói tiếp

– Ít nhất cũng là một niên khóa phải không ?

Tôi khẽ cười, còn Châu thì đứng lặng im, tay vê mãi cái đuôi tóc vắt qua vai lăn trước ngực. Qua ánh trăng tôi nhận rõ nỗi buồn vô tận phủ lên gương mặt trắng hơi tái xanh của Châu. Đứng nhìn nhau mãi rồi chúng tôi cũng ngồi lại bên nhau, trong sự im lặng phủ vây.

*

*   *

          Hơn hai tháng qua, tôi mới nhận được thư Châu. Cô kể những sinh hoạt ở nhà và đôi lời kín đáo nói đến nhớ thương lúc xa nhau. Riêng có dòng này làm tôi không được vui mấy “ Má em nói anh bỏ nghề giáo viên đi, lương bao nhiêu lắm mà còn dạy nơi xa xôi, hẻo lánh …”. Hai mươi ngày sau, tôi nhận được của Châu lá thư khác, trong đó có những đoạn thật quyết liệt. “Anh thương, đã khuya lắm rồi mà em không sao chợp mắt được, chẳng có ai vỗ về em ngoại trừ nước mắt và lòng hy vọng anh sẽ bỏ nghề giáo viên. Còn không anh thông cảm cho em …”. Hôm sau tôi mới hồi âm cho Châu. Biên thư xong, tôi đọc lại nhiều lần, tôi bỏ vào phong bì để trên xấp bài tập của học sinh, tắt đèn đi ngủ. Chẳng may, cậu Quảng, bạn đồng nghiệp, dạy thêm toán cho học sinh ở lớp, khi về thấy thư mở ra duyệt lại rồi trổ nghề giả chữ của tôi để thêm vào mấy dòng

“Dẫu bây giờ xa cách người thương

Xa hẳn em yêu xa phố phường

Tôi vẫn đem lòng yêu xứ núi

 Nơi có đàn em có mái trường …”

           Kể từ đó tôi không còn nhận được thư Châu. Mùa xuân năm ấy tôi xung phong ở lại trực trường mãi đến gần hè tôi cũng chưa có ý định về thăm Châu và gia đình. Một hôm, tôi nhận một tin như sét đánh, cậu Quảng nói với tôi vừa đùa vừa thật.

– Có quà gì không đưa đây mình cho cậu cái tin này.

– Tin gì nói rồi mình tìm quà cho ngay.

          – Vừa nói xong, cậu Quảng rút từ trong túi ra trao cho tôi một cái thiệp của Châu. Châu mời tôi về dự lễ cưới của cô. Nhìn nét chữ thân thương của cô, một nỗi buồn dâng lên tràn ngập người tôi. Qua một đêm trăn trở không ngủ được, sáng hôm sau, ngồi trên chiếc xe đò về quê mà lòng tôi ngổn ngang những câu hỏi, mình còn gặp Châu được không ? Vì sao cô phải vội vã như vậy ? Tôi cố nhớ lại lần cuối biên thư cho Châu đã có gì làm cô hiểu nhầm chăng ? Tôi mãi mê suy nghĩ thì đột nhiên chiếc xe đò dừng lại. Một thiếu nữ bước lên xe. Đó là Thủy, con của bác Năm dễ thương nhất ở xóm tôi. Thủy mặc chiếc áo màu cà phê, khuôn mặt trái xoan không tô điểm như thường thấy ở những cô thiếu nữ xinh đẹp. Tôi nhìn Thủy rồi nghĩ tới Châu, tự dưng thấy buồn, thấy tôi lặng yên Thủy hỏi.

– Anh đăm chiêu việc gì dữ vậy ?

    Thủy nhìn tôi với vẻ thông cảm, rồi nói tiếp.

– À biết rồi, nhớ chị Châu phải không? Chị ấy có người yêu khác rồi, …

– Cưới nhau rồi chứ yêu gì nữa.

          – Nghe đâu còn chờ anh về kia mà.

Tôi không biết mình vui hay buồn trước cái tin mới này.

– Ban đầu chị đâu thương anh Tâm, – Thủy kể – nhưng bị động lực của gia đình. Má chị nói “không lấy Tâm, thì lấy ai ? Chờ gì cái cậu đó mà chờ. Sống trên núi khi về mang bệnh sốt rét kinh niên với nghề dạy học mỗi tháng có vài chục nghìn không đủ uống thuốc, có đâu nói đến vợ con, gia đình. Không thấy mấy người làm giáo viên ở xóm mình họ bỏ ngành hết hay sao. Thời buổi này mà cứ khư khư với cái lý tưởng, yêu nghề mến trẻ ấy”. Sau đó chị đồng ý lấy anh Tâm. Chị tâm sự với em : “Không biết sao mà cái nghề gọi là cao quý ấy nó lại khổ vậy”.

– Châu và gia đình cô ấy nghĩ vậy, còn Thủy thì thế nào ?.

          – Mỗi người có quan niệm sống khác nhau chứ anh. Cuộc sống của nghề giáo viên tuy nghèo nhưng cũng có người yêu nó, trong đó có em thì sao. Đâu phải ai giàu sang là có tất cả. Trong giọng nói hồn nhiên của Thủy có cái gì sâu sắc, tự tin và thật đáng yêu. Giá như Châu và gia đình có được những suy nghĩ như vậy, thì giây phút này tôi hạnh phúc biết bao. Nói chuyện với Thủy mãi đến khi xe tới bến lúc nào không hay biết.

*

*   *

Đêm hôm ấy, Châu đến nhà tôi.

            – Sao tệ vậy, không về dự ngày cưới của em – Châu nói : mới quen thôi chưa cưới đâu. Anh mừng phải không ? Hồi anh biên thư cho em có cả lẫn thơ nữa kia.

Môi Châu hơi trề ra, khóe mắt buồn rượi ánh lên một chút mỉa mai : Tôi cay đắng nhận thấy cái thư tôi viết cho cô ngày nào, có cả những dòng thơ của cậu Quảng.

Dù thế nào đi nữa, tôi cũng không thể trách Châu được. Có lẽ đây là một lý do để tôi không còn Châu kia mà.

– Khi nhận được mấy dòng này của anh em yêu người khác phải không.

– Thôi đi, đừng hỏi việc ấy nữa, em khổ lắm rồi ! Nói vậy nhưng Châu vẫn kể cho tôi nghe mọi chuyện ở nhà. Kể xong Châu xin tôi tấm ảnh làm kỷ niệm.

– Không yêu người ta nữa mà xin ảnh làm gì, về nhà chồng lại xé đi – Tôi nói.

Gớm ! mỗi người đều có kỷ niệm riêng chứ đâu phải có người yêu khác là bắt buộc xóa những gì trước đó. Vừa nói Châu vừa với tay lấy quyển nhật ký của tôi để trên góc bàn, lật từng trang xem chăm chú. Thỉnh thoảng Châu reo lên vẻ thích thú về những tấm ảnh tôi chụp ở bờ sông, khe suối. Dưới những tấm ảnh ấy, tôi đều ghi những dòng chữ, đại loại là ước gì có Châu bên cạnh để chia sẽ niềm vui và cảnh đẹp này. Số là năm đầu mới lên, nhà trường phân công cho tôi làm giáo viên chuyên trách bổ túc văn hóa. Ba tháng đầu chỉ dạy một lớp là xong. Thời gian còn lại tôi đi công tác phổ cập cho các trường vùng trung cao trong huyện.

Tôi có đem theo máy hình nơi nào có cảnh đẹp là chụp để làm kỷ niệm, hầu hết quyển nhật ký ghi những phút nhớ thương của tôi khi xa Châu. Những dòng nguệch ngoạc không được sửa lại nhưng rất chân thực của lòng mình dành cho cô. Thỉnh thoảng tôi có ghi đôi dòng về đồng đội khi đi công tác “Sên cắn, vắt bao vây, cơm độn sắn khô, rau rừng chấm muối”. Xem vừa hết thì Châu vội đứng dậy bước thật nhanh ra ngoài. Tôi hơi kỳ lạ về thái độ và cử chỉ của Châu.

– Vừa nói Châu vừa đi, anh vào ngủ đi, em về một mình cũng được. Tôi theo sau. Không gian lúc này hình như chìm đắm trong suy nghĩ của mỗi người. Những cái lạnh lùng khó hiểu thì đọng lại đẫm vào sương đêm. Bỗng nhiên, Châu quay lại ôm chầm lấy tôi, rồi những dòng nước mắt nóng hổi của cô thấm vào thân áo mỏng. Tôi muốn ghì chặt Châu vào lòng mình, nhưng rồi không làm như vậy.

– Em không ngờ được rằng anh viết những dòng thương em như vậy. Nhưng sao anh biên thơ lại khác ?

– Chính cái khác ấy là dịp tốt để em xử anh, đúng không ? Châu ơi, em đến với Tâm đi, anh ấy có đủ điều kiện hơn, đáp ứng được cuộc sống và những gì em thích, còn anh lẽ nào lại chạy trốn khỏi đồng đội để lo lấy hạnh phúc riêng tư của mình như em và má em quan niệm.

Tôi thì thầm với Châu những lời cuối cùng. Còn Châu vẫn im lặng, rồi buông tôi ra đi tiếp. Bỗng nhiên, có chiếc xe máy pha đèn từ xa đi tới dừng lại đón Châu và giúp chúng tôi xa nhau mãi mãi.

Làn gió dìu dịu từ biển vào không lay nổi một cành cây nhỏ, nhưng cũng đủ lau khô dòng nước mắt Châu còn trên tà áo của tôi.

Truyện ký này đã đăng một lần duy nhất trong tờ Đặc san Hoa Phượng Đỏ (số 3) Trường Đại học Sư phạm Huế.

                                                                                                      Phan Đình Thống

MẾN GỬI CÁC ÔNG CHỒNG CÓ VỢ LÀ GIÁO VIÊN!

 

Ai cũng bảo lấy vợ giáo viên là nhất: có nhiều thời gian chăm lo cho gia đình và dạy dỗ con cái. Sự thật là có nhiều người đàn ông vỡ mộng như tôi. Ấp ủ bao hi vọng, hạnh phúc tràn ngập khi rước được nàng giáo về dinh, thế nhưng chưa được tận hưởng niềm hạnh phúc trong bao lâu thì tôi lại vỡ òa …..thất vọng vì những gì mình mơ tưởng đã hoàn toàn trái ngược. Có ai ngờ! Lúc nào nàng cũng trường trường, lớp lớp. Lúc nào cũng sách sách, vở vở. Có hôm, mấy bố con tí ta tí tởn bí mật lên kế hoạch đi chơi cuối tuần, sáng hôm sau hí hửng báo với nàng thì được đáp lại bởi câu nói thật phũ phàng: “Hôm nay em bận lắm, mấy bố con đi chơi vui vẻ nhé!” Vui kiểu gì đây chứ ? Tức anh ách nhưng lại tự an ủi mình: “Vợ mình là giáo viên mà!”. Có vợ mà cứ như gà trống nuôi con!!!

Lại chuyện thi với cử, không biết ở đâu ra mà nhiều cuộc thi lắm thế! Thấy vợ đầu tắt mặt tối với công việc giảng dạy, tối về ăn vội bát cơm, dọn dẹp nhà cửa xong đã ngồi vào bàn làm bạn với chiếc máy vi tính. Ròng rã hơn một tháng trời, nàng soạn giáo án E-learning dự thi thành phố. Chưa kịp nghỉ ngơi, hằng đêm lại thấy nàng vùi đầu vào đống tài liệu đáng ghét. Nghe bảo chuẩn bị hội thi giáo viên giỏi cấp trường, cấp quận gì đó. Nghe vợ than phiền mà thấy thương: “Chẳng biết dạo này đầu óc thế nào mà nhét mãi cũng không vào. Tức thật! Mình cũng thuộc loại siêng năng, chăm chỉ, chứ có phải lười biếng gì đâu mà không hiểu sao kém thế! Chuyến này mà thi rớt thì chắc chết anh ơi!” Khổ thật, thương lắm mà chẳng biết làm sao! Phải chi mình là Bộ trưởng bộ giáo dục nhỉ ?

Nhiều lúc thấy nàng cứ ham công tiếc việc mình cũng cảm thấy bực. Vợ chồng đôi lúc cơm không lành, canh không ngọt cũng vì nàng quá “nhiệt tình” nhưng thấy nàng vui mình cũng vui lây. Cứ mỗi dịp 20/11 đến, nhìn những học trò ngày nào nàng dạy dỗ giờ đã phổng phao, trưởng thành mới thấm thía câu nói của nàng: “ Anh ạ, dẫu nhọc nhằn nhưng thật hạnh phúc!”

           “Bạn sẽ hạnh phúc khi đem lại niềm hạnh phúc lớn lao cho người khác.” Hỡi các ông chồng có vợ giáo viên!  Mình hãy luôn là bờ vai vững chắc cho nàng các bạn nhé!

Bài viết của Người đàn ông có vợ là giáo viên

 

NHỚ VỀ EM

           Trong quãng thời gian dạy học của tôi có rất nhiều kỉ niệm. Một trong những kỉ niệm đó có một kỉ niệm đã để lại ấn tượng sâu sắc trong tôi đó là năm đầu tiên tôi vào nghề dạy học.

Năm ấy, tôi chủ nhiệm lớp 3. Trong lớp có em Ngọc Phú – một học sinh cá biệt. Em học rất yếu, ngỗ nghịch, hay quấy phá bạn bè. Tôi đã nhiều lần gặp phụ huynh em nhưng gia đình có vẻ không quan tâm và xem như đó là chuyện bình thường.

Lần cuối, từ nhà phụ huynh ra về, trong lòng tôi rất buồn vì không nhận được sự hợp tác. Tuy vậy, tôi cũng luôn tự nhủ mình không nên vì thế mà bỏ rơi em bởi lương tâm của một nhà giáo không cho phép tôi làm vậy. Từ hôm ấy trở đi, tôi cố gắng hết mình để giúp đỡ em. Song trong quá trình dạy học với đặc điểm của em là rất khó dạy nên tôi cũng không tránh khỏi những tiếng la to, trách móc, than phiền… Có lần tôi còn bắt em chép phạt thật nhiều trang giấy nữa. Em vừa viết vừa khóc, ánh mắt tức tối, giận hờn lộ rõ trên khuôn mặt khi em đem bài chép phạt lên nộp tôi.

… Tháng ngày qua đi, năm học cũng gần hết, chỉ còn vài ngày nữa thôi là cô trò chia tay. Một hôm tôi đem tập giấy trắng đến lớp để gửi mỗi em một tờ với yêu cầu: ”Các em đem về nhà viết vào đó những tâm tư tình cảm, những gì muốn tâm sự với cô. Qua tâm tình của các em, cô muốn biết cái gì mình làm chưa được thì cô sẽ khắc phục để sau này cô dạy học được tốt hơn. Vả lại cô cũng muốn cất giữ những dòng chữ của các em để làm kỉ niệm”

Rồi tôi đi đến từng bàn gửi giấy, ai ai cũng đưa hai tay đón nhận với ánh mắt trìu mến, thân thương. Duy chỉ có mỗi em Phú là từ chối không cầm lấy. Tôi thoáng bất ngờ trước tình huống này vì chưa bao giờ nghĩ rằng sẽ có chuyện như vậy xảy ra. Ngượng ngùng xen lẫn tự ái trước học sinh, tôi nhẹ nhàng hỏi lại em lần nữa nhưng em vẫn lắc đầu. Một nỗi buồn len lén trong tôi. Tôi tiếp tục phát tiếp số giấy còn lại nhưng trong lòng cứ nghĩ đến cử chỉ của Phú : “Sao em không muốn viết gì cho mình nhỉ, ít chữ cũng được mà, đến nỗi gì mà không có chút tình cảm với cô?”

Trong lúc tôi quay lưng với lớp để trở lại bục giảng, bỗng dưng cắt ngang luồng suy nghĩ của tôi bằng một vòng tay ôm thật chặt, kèm theo giọng nói nghẹn ngào trong nước mắt của người học trò bướng bỉnh mà những ngày qua luôn đem sự phiền toái đến cho tôi : “Con không muốn xa cô.” …

Nhẹ nhàng quay lại, tôi ôm chặt em vào lòng. Một cảm xúc dâng trào đan xen sung sướng và hối hận vì nghĩ sai về em, tôi bật khóc. Tôi nói nhỏ:   “ Cảm ơn em, cô sẽ không bao giờ xa em, lên lớp mới, mỗi ngày đến trường cô và em vẫn được trò chuyện cùng nhau mà.” Lau nước mắt cho em mà trong lòng tôi cảm thấy thương em quá đi thôi.

Đã gần 15 năm qua nhưng hình ảnh em vẫn mãi in đậm trong tâm trí tôi. Em là động lực nhắc nhở, động viên tôi trong công việc. Đôi lúc gặp học sinh cá biệt cùng với bao công việc mệt mỏi nhưng nghĩ đến tình cảm dễ thương, chan chứa của em tôi lại phấn chấn lên và vui vẻ làm việc có hiệu quả. Tôi thầm nghĩ sự hi sinh thầm lặng của người thầy sẽ vô cùng ý nghĩa trong việc đào tạo thế hệ trẻ – một sản phẩm giáo dục hoàn toàn khác hẳn sản phẩm của mọi ngành nghề.

                                                                                                      Thanh Khê, ngày 14 tháng 11 năm 2015

 GVCN lớp 5/3 – Châu Thị Hồng

 

ƯỚC MƠ CỦA EM

           Gần 20 năm gắn bó với nghề, tôi đã trải qua biết bao tâm trạng, bao cảm xúc vui buồn, ấn tượng, có cả sự trăn trở… Trong mối quan hệ với phụ huynh, học sinh, đồng nghiệp… có bao điều để nhớ.

Năm học 2002- 2003 tôi được chuyển công tác từ Trường Tiểu học số 2 Hòa Tiến, huyện Hòa Vang về Trường Tiểu học Trần Cao Vân. Được về một trường điểm của quận Thanh Khê là mơ ước của bao giáo viên. Tôi luôn thầm nghĩ: “Chắc về trường thành phố sẽ không còn nhiều vất vả, khổ cực như khi dạy ở vùng quê. Đối tượng học sinh, phụ huynh và đồng nghiệp sẽ khác hơn rất nhiều.”

Năm đầu tiên về trường, tôi được phân công chủ nhiệm lớp 2/4 với 44 học sinh. Ngày đầu tiên làm quen với lớp, tôi cảm thấy rất vui vì học sinh em nào áo quần cũng tươm tất, sách vở, đồ dùng học tập đầy đủ. Tôi thầm nghĩ: “ Học sinh thành phố có khác.” Công việc giảng dạy của tôi cứ thế trôi qua cho đến tuần thứ 12 của chương trình, hôm đó tôi dạy tiết Tập làm văn bài Kể về người thân.Tôi yêu cầu cả lớp: “Các em nên viết về mẹ, bởi đó là người em yêu thương nhất, em sẽ  có nhiều cảm xúc khi viết”. Hôm ấy, tất cả học sinh đều tập trung làm bài. Đến khi thu bài để chấm, tôi thảng thốt khi bài viết của em Đặng Như Quỳnh chỉ vỏn vẹn một câu: “ Thưa cô, em không có mẹ nên em không biết viết.” và dưới dòng chữ đó em vẽ thêm một khuôn mặt buồn với biểu tượng hai hàng nước mắt. Tôi giật mình vì chưa bao giờ gặp tình huống này. Mắt tôi nhòe đi, dòng cảm xúc đang dâng trào trong mình.

Buổi trưa hôm đó, tôi ở lại bán trú cùng các em. Tôi hỏi han em về hoàn cảnh gia đình.Em kể về gia đình mình với ánh mắt đượm buồn: “Em đang ở cùng bà nội và các chú. Em chưa một lần nhìn thấy mẹ, chỉ nghe ông bà và các cô bảo rằng mẹ bỏ bố và em từ lúc em chưa biết đi. Cô ơi, con chưa bao giờ được gọi mẹ, các bạn có mẹ sướng quá cô ơi!” Mắt tôi lại nhòe đi, cổ họng nghẹn cứng. Ngẫm lại, tôi thấy mình vô tình quá! Có đôi lần em đến lớp muộn, lại mang dép đi học. Nước mắt chảy dài, tôi đã ôm em vào lòng. Hôm ấy, tôi rời trường với nhiều cảm xúc, thương em thật nhiều. Từ đó tôi hiểu thêm: học trò thành phố đâu phải em nào cũng đủ đầy về vật chất, còn có nhiều em có hoàn cảnh thật đáng thương.

Bốn năm em học ở trường, tôi cố gắng giúp em trong khả năng có thể. Lúc thì vài bộ áo quần mới, quà mỗi khi đến ngày sinh nhật của em. Tôi cũng có cô con gái bằng tuổi em, nên mua cho con gái món gì, thỉnh thoảng tôi cũng mua cho em. Thi thoảng, khi có dịp đưa con gái đến khu vui chơi, tôi chở em đi cùng. Em thích vô cùng, nhưng sao tôi vẫn nhận ra sự không mạnh dạn ở em. Phải chăng, những đứa trẻ thiếu sự yêu thương của bố mẹ luôn mặc cảm, không tự tin. Em học lớp nào tôi cũng nhờ các đồng nghiệp lưu tâm đến em. Thương lắm là những khi ra chơi, em cứ tìm xuống lớp.Tôi nhớ có lần, em đau răng nhưng không dám khóc, có lẽ em biết thân phận mình thì phải.

Ngày bế giảng cuối cùng ở trường tiểu học, em dúi vào tay tôi một mảnh giấy nhỏ và nói: “ Cô về nhà rồi hãy mở ra xem”. Tò mò, tôi lật giở mẩu giấy em đưa. Hiện ra trước mắt tôi dòng chữ nắn nót:“Sau  này em sẽ học thật chăm, thật giỏi để trở thành một cô giáo như cô”. Tự dưng nước mắt tôi trào ra. Tôi thật sự hạnh phúc, hạnh phúc đến nghẹn ngào vì cô học trò bé bỏng.

Ngày em trúng tuyển vào trường Trung học, em có đến trường báo tin mừng. Ngày tháng cứ thế trôi qua, tôi vẫn luôn nhớ đến em. Tôi vẫn thường kể cho học trò nghe câu chuyện về cô học trò bị bố mẹ bỏ rơi nhưng vẫn nỗ lực phấn đấu vươn lên trong học tập

Ngày em thi đại học, tôi cũng hồi hộp mong chờ kết quả. Em đã thi đỗ vào trường đại học mà mình mong ước. Ngày nhận được giấy báo trúng tuyển, em đã tìm đến tôi trong niềm vui hân hoan khó tả. Tâm trạng của tôi cũng hạnh phúc không kém vì trong bước ngoặc lớn của cuộc đời mình, em vẫn nhớ đến tôi. Em đã giữ đúng lời hứa của mình- thi đậu vào trường sư phạm . Bây giờ , em hiện đang là sinh viên năm thứ hai khoa Ngữ văn, trường đại học sư phạm Đà Nẵng. Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11 năm ngoái, em về trường thăm tôi. Em tặng tôi  thiệp chúc mừng. Em viết về những gì em nghĩ về tôi, nhờ tôi mà em có động lực,  quyết tâm để trở thành một cô giáo. Em viết rằng nếu được học lại bài Tập làm văn viết về mẹ ngày hôm đó em vẫn sẽ viết như những gì em viết, em không lấy gì làm hối hận. Cuối thư, một dòng chữ khiến tôi rơi lệ: “Ngày hôm đó em viết trong bài làm là em không có mẹ nhưng nhờ những dòng chữ đó mà em đã tìm được người mẹ thứ hai của mình…. Con yêu mẹ rất nhiều!” Tôi hi vọng trong tương lai, em sẽ là một cô giáo biết yêu thương, chia sẻ.

Những khi có dịp, em ghé thăm tôi. Vài ngày, tôi và em gặp nhau trên Facebook, em lại nhắc đến cái ôm ngày ấy. Cái ôm đã truyền hơi ấm cho em, tiếp thêm cho em nghị lực để em vững bước trên con đường em đã lựa chọn.

Trong dòng chảy cuộc đời, những khi tĩnh lặng, tôi miên man nghĩ: “Chúng ta là cô giáo, nghề cao quý trong những nghề cao quý. Hãy yêu nghề bằng tình thương và trách nhiệm, đời sẽ cho ta nhiều quả ngọt!

 Cô giáo Trần Thị Mỹ Hòa

 

CẬU HỌC TRÒ TINH NGHỊCH CỦA TÔI

         Tôi là một giáo viên trẻ mới vào ngành chỉ có ba năm. Ba năm không phải là một khoảng thời gian dài nhưng cũng đủ để tôi có rất nhiều kỉ niệm với nhiều cung bậc của cảm xúc. Có những lúc như vỡ òa trong hạnh phúc khi những học trò của mình đạt được các thành tích cao trong các cuộc giao lưu cấp trường, cấp quận và thành phố. Có lúc lại phiền lòng vì học trò của mình chưa ngoan. Nhưng việc làm để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong hoạt động chủ nhiệm là trong năm học 2015 – 2016.

          Năm nay, tôi được phân công giảng dạy lớp 4/1. Trước khi nhận lớp, tôi đã được  biết  đôi chút về tình hình của lớp thông qua lời gửi gắm của thầy Hiệu trưởng trong cuộc họp hội đồng sư phạm: “Đây là một lớp cần rất nhiều tình thương của người giáo viên”. Quả nhiên, trong ngày đầu nhận lớp, tôi thật sự bất ngờ khi thấy những cô cậu học trò của mình ngồi lọt thỏm trên những chiếc ghế học sinh. Hình ảnh mà tôi nghĩ rằng nó chỉ có ở những vùng quê xa xôi, nghèo khó nào đó. Trong những ngày đầu dạy lớp, tôi thấy rằng có rất nhiều em khả năng tiếp thu còn chậm, có nhiều lỗ hổng trong kiến thức. Trong đó Đức Huy là cậu học trò tôi chú ý nhiều nhất. Bởi đằng sau khuôn mặt hiền lành là những trò quậy phá hết sức tinh nghịch. Hôm thì lấy bút chì đâm vào tay bạn, hôm thì đưa chân ra ngáng các bạn nên bạn làm bài làm các bạn suýt té, hôm thì xô các bạn vào cạnh bàn… Trong hầu hết các tiết học, em đều không tập trung chú ý vào bài giảng.

        Trong giờ học Toán hôm nọ, tôi mời em đứng dậy để trả lời kiến thức cũ. Em đã không trả lời được lại còn nhún nhảy, lắc hông, đánh tay khi tôi vừa quay lưng lên bảng. Vốn đã nhiều lần nhắc nhở nhưng chưa có sự cải thiện, lần này, tôi nghiêm giọng hỏi:

    • Đức Huy, em còn muốn học nữa không?

        Đáp lại câu hỏi của tôi là một sự im lặng. Phải để tôi lặp lại câu hỏi đến lần thứ ba em mới lí nhí trả lời có. Nghe vậy, tôi tiếp tục hỏi lí do vì sao em không chịu khó học tập, hay chọc phá các bạn trong lớp và không tập trung nghe giảng. Em trả lời tôi với đôi mắt ướt lệ:

    • Thưa cô, em không biết học.

        Biết đây là học sinh gặp khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức mới vì những lỗ hỏng trước đó, tôi hỏi ngay:

              Sao em không biết học?

    • Thưa cô, ở nhà không ai hướng dẫn em học. Mẹ em học ít nên không bày em được.
    • Sao em không hỏi thêm chị, em có chị học lớp 8 mà?
    • Chị em không bày em.

Vậy sao em không hỏi cô?

    • Thưa cô vì em không biết chi cả.
    • Thôi em ngồi xuống đi, đừng quậy phá nữa. Hãy tập trung nghe giảng thì em mới hiểu được.

          Hình ảnh rưng rưng nước mắt và những câu nói của em cứ ám ảnh tôi suốt buổi chiều hôm đó và đến tận những ngày sau. Cuối tuần, tôi sắp xếp thời gian đến thăm gia đình em. Ngôi nhà nằm khuất sau trong con hẻm nhỏ đường Lê Duẩn. Hôm nay, em không có nhà vì được ba chở về quê ăn giỗ. Vào gặp mẹ Huy, tôi giới thiệu mình là giáo viên chủ nhiệm đến thăm gia đình và trao đổi việc học của em. Qua câu chuyện, tôi biết gia đình em là tuy không được xếp vào hộ nghèo nhưng cũng có hoàn cảnh khó khăn. Mẹ em làm công nhân vệ sinh, ba đi xe thồ ngày được ngày mất vì căn bệnh thoái hóa cột sống mà phải nuôi Huy và một chị gái lớp 8 ăn học. Từ nhỏ, em đã rất hoang nghịch: lấy kéo đâm vào ổ cắm điện, qua nhà hàng xóm nhảy từ trên gác nhảy xuống, … Tuy biết, nhưng gia đình lại không có điều kiện chăm lo đến em. Nghe câu chuyện, tôi mới hiểu ra vì sao em lại có những trò quậy phá như vậy trên lớp. Tôi quyết định cho em đến nhà tôi học kèm vào các buổi sáng không học phụ đạo ở trường để giúp em lấy lại những kiến thức cơ bản trước khi tiếp thu kiến thức mới. Và cái bắt tay thật chặt, những lời nói cảm ơn của mẹ Huy đã tiếp thêm cho tôi năng lượng.

          Hai tuần sau, em đã chăm chỉ học hành hơn tuy đôi lần vẫn chưa hoàn thành bài tập. Em cũng đã tích cực phát biểu hơn dù chỉ đúng được đôi lần. Cái giọng nói ngọng ngịu nhưng dễ thương đó cũng tạo nên nhiều trận cười sảng khoái trong lớp. Nhìn vào đôi mắt biết cười ngày hôm nay, thay cho những giọt nước mắt ngày hôm qua, tôi tin rằng với sự hướng dẫn, sự cố gắng nỗ lực của chính bản thân, em sẽ trở thành một học trò ngoan. Quả thật, qua ba năm làm chủ nhiệm, tôi nhận thấy rằng không có học sinh nào là yếu, là chưa tốt. Có chăng là chúng ta có hiểu, có thời gian quan tâm dành em cho em hay không mà thôi.

         Câu chuyện tuy không có gì đặc biệt nhưng với tôi đó là nguồn động lực phấn đấu vươn lên trong sự nghiệp trồng người. Bởi lẽ, mang đến cho các em tình yêu thương, niềm vui, niềm tin vào cuộc sống thì chính tôi cũng được nhận gấp bội phần. Đó chính là tình yêu thương mà các em dành tặng tôi.

     Cô giáo Phan Thục Uyên 

 

 

CẬU HỌC TRÒ BÉ NHỎ

          Tám năm làm “ người lái đò”, đây không phải là một thời gian quá dài nhưng cũng đủ đọng lại trong tôi biết bao nhiêu là kỉ niệm. Có kỉ niệm vui nhưng cũng có những kỉ niệm buồn, có những kỉ niệm lắng đọng mãi trong tim . Và đặc biệt, cứ mỗi khi học đến bài Đôi giày ba ta màu xanh ( tập đọc lớp 4) thì hình ảnh cậu học trò nhỏ ấy lại ùa về nguyên vẹn.

         Năm ấy, tôi được phân công giảng dạy và làm công tác chủ nhiệm lớp 4. Vào đầu năm học do mới làm quen học sinh và bận bịu những công việc đầu năm nên tôi chưa thể tìm hiểu kĩ hoàn cảnh của từng học sinh. Tuần đầu của năm học mới, Tuấn luôn đi học muộn. Khi tôi hỏi lí do thì em ấy bảo do mẹ bận nên không  có ai đưa đi học. Lần thứ hai em ấy lại bảo do mẹ em ngủ dậy trễ. Lần thứ ba, em ấy viện lí do hôm nay nhà có việc nên đi học muộn. Lúc ấy tôi chỉ khuyên em nên đi học đúng giờ nhưng thật sự trong lòng tôi có chút gì đó khó chịu, bực bội vì người mẹ không quan tâm đến con. Không những thế, trong giờ học em ấy không tập trung và kiến thức bị hổng rất nhiều. Có lúc không kìm nén được, tôi đã mắng em ấy. Tôi dự đinh cuối tuần sẽ gặp và trao đổi với gia đình em.

         Tuy nhiên,vào một buổi chiều tôi về muộn, sân trường vắng vẻ không còn ai, chỉ còn tiếng  xe cộ qua lại của dòng người hối hả về nhà sau một ngày làm việc. Thoáng chốc tôi nghe tiếng khóc của một ai đó. Tội lại gần thì thấy Tuấn đang ngồi co ro bên góc sân trường nức nở. Tôi vội vàng lại hỏi han và phút chốc bỗng cảm thấy giận bản thân mình. Thì ra, không có ai tới đón em về. Qua tâm sự của em, tôi  mới biết ba mẹ em li hôn khi em mới tròn bốn tuổi. Em ở với mẹ, ba đi làm ăn xa. Mẹ em không có nghề nghiệp ổn định, lúc đi làm thuê, lúc đi giúp việc nhà cho người ta. Hoàn cảnh khó khăn vô cùng. Nhưng khó khăn lại chất chồng hơn nữa khi cách đây một tháng mẹ em bị tai nạn giao thông phải nằm một chỗ không đi làm gì được và cũng không có ai chăm sóc, đỡ đần. Hằng ngày, Tuấn phải chăm sóc cho mẹ của mình. Nghe em kể mà sóng mũi cay cay, tôi cố quay mặt giấu đi những giọt nước mắt của mình. Tôi trách mình vô tâm quá! Tôi thấy thương em vô cùng. Sau đó, tôi đưa em về nhà.

         Ngay sáng hôm sau, tôi liên lạc với ban đại diện học sinh lớp trao đổi về trường hợp của Tuấn. Cũng may chị Hội trưởng  Hội Cha mẹ học sinh lớp cũng đang có ý định tặng vài phần quà cho học sinh khó khăn trong lớp. Chiều hôm đó tôi cùng chị đến thăm gia đình Tuấn. Nhận món quà từ tay chị Hội trưởng , mẹ em nghẹn ngào cảm ơn khiến tôi xúc động vô cùng.

        Từ hôm ấy trở đi tôi dành nhiều sự quan tâm hơn đến em. Tôi động viên, khuyến khích em  nhiều hơn trong học tập, tâm sự chia sẻ với em nhiều hơn để em tự tin trong cuộc sống. Em cũng vui hơn và có nhiều cố gắng hơn trong học tập. Buổi chiều hôm ấy, tôi bảo em ở lại gặp tôi có chuyện. Đợi học trò ra về hết tôi lấy đôi giày ra tặng em. Mấy hôm nay tôi thấy em mang dép không có quai sau đi học. Hỏi ra thì giày em đứt mất rồi. Nhìn vẻ mặt vui sướng của em khi nhận đôi giày mà tôi không thấy không khác gì tâm trạng của cậu bé Lái trong câu chuyện Đôi giày ba ta màu xanh trong bài Tập đọc lớp 4. Thay vì cột đôi giày mới vào cổ nhảy tưng tưng như cậu bé Lái trong câu chuyện, Tuấn lại cho đôi dép cũ vào cặp, mang đôi giày mới chạy ra về với một tâm trạng rất hân hoan. Nhìn em vui mà lòng tôi tràn ngập hạnh phúc !

         Bốn năm đã trôi qua, giờ em đã là một cậu học sinh cấp 2 rồi. Thi thoảng em gọi điện cho tôi. Cô trò nói chuyện với nhau thật ấm áp, thân thương.

        Thế đấy, câu chuyện của tôi chỉ nhỏ bé vậy thôi nhưng đã giúp tôi trưởng thành hơn rất nhiều. Nó giúp tôi yêu nghề hơn, yêu những đứa trẻ hồn nhiên vô tư . Tình thương, trách nhiệm là kim chỉ nam hành động, tiếp thêm cho tôi sức mạnh để thực hiện trọng trách cao cả của mình “người  lái đò” thầm lặng cho biết bao thế hệ học sinh..

                Cô giáo Phùng Thị Ngọc Lành

 

CÂU CHUYỆN VỀ HAI ANH EM SINH ĐÔI

         Là một giáo viên, chắc hẳn trong suốt quá trình giảng dạy của chúng ta sẽ có nhiều việc làm để lại ấn tượng sâu sắc nhất. Những việc làm đó có thể theo chúng ta đến suốt cuộc đời. Với riêng tôi, là một giáo viên đã gần 20 năm công tác, cũng đã có biết bao kỉ niệm buồn vui nhưng ấn tượng để lại sâu sắc nhất trong tôi đó là câu chuyện về hai anh em sinh đôi mà tôi đã chủ nhiệm trong năm học vừa qua.

Năm học 2014-2015, tôi nhận chủ nhiệm lớp 5/5 trường Tiểu học Trần Cao Vân. Ngày đầu tiên bước vào lớp, cả lớp đứng dậy chào tôi với ánh mắt rất ngỡ ngàng. Tôi chào lại các em và cô trò làm quen với nhau. Nhìn xuống lớp, tất cả bàn đều kín chỗ, duy nhất chỉ có bàn đầu tiên còn trống cả hai chỗ ngồi. Sau khi ổn định lớp khoảng 15 phút thì hai học sinh mới xách cặp bước vào, miệng lí nhí chào cô. Điều ngạc nhiên là hai em giống nhau như hai giọt nước, tôi không thể phân biệt được em này với em kia. Tôi hỏi tên em và được biết đây là anh em sinh đôi: Phan Đặng Bá Hiền- Phan Đặng Bá Hậu. Ngạc nhiên hơn là cách ăn mặc của các em quá lôi thôi, hai thân hình gầy guộc, mặt mày không mấy sáng sủa, ngày đầu đi học mà áo quần đã cũ, nhăn nhúm, gài khuy áo lệch nhau,…tôi biết ngay các em đã không được sự quan tâm của gia đình. Những ngày sau đó, các em vẫn đi học trễ, đến lớp, khi tôi giảng bài nhìn xuống thì thấy các em ngủ gật hoặc không tập trung. Đặc biệt hơn nữa, cả hai em không bao giờ học bài cũ và làm bài tập về nhà, thậm chí luôn quên sách, vở. Nhiều lần, vào buổi tối, tôi điện thoại trao đổi về việc học của các em với phụ huynh thì gặp mẹ các em với giọng nói trông rất mệt mỏi và miễn cưỡng: “Dạ, dạ!” cho qua chuyện nhưng sau đó  việc đi học muộn vẫn tái diễn, tình hình học tập của các em cũng chẳng khá nơn. Qua nhiều đêm suy nghĩ, tôi đã tìm đến gia đình các em vào một buổi tối cuối tuần. Ngôi nhà các em ở nằm sâu trong con hẻm của tổ 30, phường Tân Chính. Ngôi nhà cấp 4 xây bằng gạnh nhưng không tô, ẩm thấp và chật chội. Trên chiếc giường cũ kĩ là một người đàn ông nhỏ thó, ốm yếu đang nằm. Khi thấy tôi vào chào, mẹ em ở dưới bếp chạy vội lên mời tôi vào nhà. Qua cuộc tiếp xúc với gia đình, tôi mới thật sự hiểu được hoàn cảnh của các em. Các em được sinh ra trong một gia đình có 4 người con: người anh đầu đang học lớp 10, hai anh em sinh đôi và còn một đứa em 3 tuổi. Ba em là trụ cột chính trong nhà, mẹ thì hay đau ốm. Trong một lần đang xây dựng nhà cho họ thì tai nạn lao động xảy ra, rớt từ trên giàn xuống, sức khỏe giảm sút, đi lại khó khăn. Mẹ em lại phải đi phụ hồ để lo cho gia đình. Ra khỏi nhà từ sáng sớm đến tối mịt mới về nhà. Về đến nhà thì chân tay rã rời còn thời gian đâu mà quan tâm đến việc học của các em, mặc sức các em tha hồ đi chơi và lơ là việc học. Sáng nào cũng đi bộ đến trường nên luôn đi học muộn. Sau khi gặp gia đình, tôi đã trao đổi hoàn cảnh của em với Ban giám hiệu, đại diện cha mẹ học sinh trường, CMHS lớp  để tìm cách giúp các em. Nhà trường cũng đã báo với Hội khuyến học phường xin hỗ trợ kinh phí học tập cho các em. Bản thân tôi cũng hỗ trợ cho các em thêm sách, vở và dụng cụ học tập. CMHS lớp cũng mua áo quần mới cho các em. Mặc khác, một tuần hai buổi, tôi gọi các em đến để phụ đạo cho các em, giảng lại những kiến thức mà các em chưa hiểu, động viên các em về nhà học bài và làm bài, dần dần các em đã tiến bộ trong học tập. Tôi cũng khuyên các em cố gắng tự phục vụ bản thân, dậy sớm chuẩn bị sách vở đến trường đúng giờ để khỏi ảnh hưởng đến phong trào thi đua của lớp, ảnh hưởng đến các bạn, tập trung chú ý trong giờ học. Bằng tình thương, trách nhiệm, tấm lòng bao dung, biết cảm thông chia sẻ, luôn gần gũi lắng nghe và quan tâm, động viên, giúp các em vượt qua khó khăn trong học tập cũng như trong cuộc sống từ đó, các em học hành tiến bộ hơn và cũng không còn tình trạng đi học muộn. Các em đã tự tin hẳn trong học tập và giao tiếp với bạn. Cuối năm, các em đã Hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập. Tôi cũng đã xin giúp cho mẹ em vào làm công nhân tạp vụ tại một khách sạn do bạn tôi quản lí để công việc nhẹ nhàng hơn và có thời gian chăm sóc chồng con và lo cho gia đình.

Vào cuối năm học, thầy Hiệu trưởng dành tặng cho hai em một suất học bổng “ Học sinh nghèo vượt khó” với một chiếc xe đạp Nhật. Đó là ước mơ, là phần thưởng xứng đáng cho bao ngày học tập và rèn luyện vất vả của hai em. Nhìn nét mặt rạng ngời của các em, tôi và cả lớp nhìn các em trong niềm hạnh phúc và cùng chia sẻ niềm vui với các em.

Qua câu chuyện trên, những năm học sau này, tôi rút kinh nghiệm cho bản thân là muốn làm tốt công tác chủ nhiệm lớp thì cần phải gần gũi, hiểu tâm lí của các em, nắm bắt kịp thời hoàn cảnh gia đình của từng em thì mới đưa ra những biện pháp giáo dục phù hợp cho từng em.

                                                                                 Cô giáo Chu Thị Thanh Loan

 

TỜ  MƯỜI NGHÌN ĐỒNG

         Tuổi mười tám, như bao bạn bè cùng trang lứa tôi thi đỗ vào Đại học Sư phạm. Cái duyên với nghề lái đò cho biết bao em nhỏ đến với tôi nhẹ nhàng như vậy:

Ai bảo mắc vào duyên bút mực

Để suốt đời phấn trắng bảng đen.

         Biết vậy mà tôi vẫn tin mình chọn đúng nghề. Cũng đã hơn 2 năm, kể từ khi cầm tấm bằng tốt nghiệp trên tay, bước ra khỏi giảng đường đại học với đầy nhiệt huyết của tuổi trẻ để đến với ngôi trường Tiểu học Trần Cao Vân thân yêu này.

Tôi còn nhớ như in buổi đầu tiên tôi nhận lớp cũng là buổi đầu tiên tôi được phân công giảng dạy và chủ nhiệm lớp 4/8. Giữa các em và tôi đã có biết bao nhiêu kỉ niệm nhưng đọng lại sâu sắc, ấn tượng nhất là câu chuyện về một cô bé học trò nhỏ mang tên Trần Phương Nhi. Tôi gọi câu chuyện đó là “Tờ 10.000 đồng và một sự tin tưởng”.

Câu chuyện bắt đầu từ sau giờ ra chơi ngày thứ năm hôm ấy, bước vào lớp tôi thấy Linh gục mặt xuống bàn khóc nức nở. Cả lớp thì xôn xao cả lên khác hẳn không khí im lặng, nghiêm túc của một buổi học. Có em thì lục tung sách vở, có em lục ngăn bàn, không những vậy có em còn bò cả xuống gầm bàn ngó ngó, nghiêng nghiêng như đang tìm cái gì đó. Nguyên nhân của sự việc trên là Linh bị mất 10.000 đồng. Đây là số tiền em để dành từ những buổi ăn vặt để ủng hộ cho học sinh nghèo ở miền núi.

Sau khi đã xác định rõ ràng số tiền Linh báo mất không phải để quên ở nhà hay được dùng vào việc gì, tôi liền yêu cầu cả lớp trật tự và mời lớp trưởng cho ý kiến:

– Thưa cô! Cô cho kiểm tra cặp lớp mình đi cô ạ!

Tôi không đồng ý và hỏi:

– Ra chơi hôm nay ai ở lại lớp?

Mọi ánh mắt của cả lớp đổ dồn về phía Nhi. Ánh mắt xen lẫn sự hoài nghi, cho rằng vì nhà nghèo nên em đã ăn cắp số tiền đó. Tôi nhìn thấy Nhi đỏ bừng mặt, cô bé giơ hai tay và lắc đầu như muốn nói “Em không biết”.

Nhi là một cô bé có gia cảnh không được khá giả như các bạn cùng trang lứa. Cô bé nhỏ người, da ngăm đen với chiếc áo sơ mi đã ngả sang màu vàng nhưng đôi mắt của em như hai hòn bi ve đen láy sáng lấp lánh. Ngay bây giờ đây, khi nhìn vào đôi mắt chân thành của em thì trực giác của tôi lại tin chắc rằng thủ phạm không phải là Nhi.

Tôi nói với cả lớp bằng giọng chắc nịch:

– Cô biết bây giờ trong lớp đang có một số bạn có suy nghĩ Nhi là người đã lấy số tiền của Linh. Nhưng thứ nhất, các em không có chứng cứ nên cũng không thể nói là bạn đã làm việc này. Thứ hai, với tư cách là một giáo viên chủ nhiệm, là người đã quan tâm, tìm hiểu các em trong suốt một học kì qua, cô có thể đảm bảo rằng Nhi không phải là người đã lấy cắp số tiền của Linh. Nếu các em nghi ngờ bạn như vậy thì sẽ làm gây mất đoàn kết trong lớp và nếu Nhi bị oan thì đây là một sự xúc phạm đến danh dự của bạn.

Cả lớp dường như cũng đồng tình với suy nghĩ của tôi, một số bạn còn quay về phía Nhi tỏ vẻ xin lỗi vì đã nghi ngờ, trách nhầm bạn.

Dường như cảm thấy sự việc đã lắng xuống tôi tiếp tục giờ học, nhưng Linh vẫn còn buồn, thỉnh thoảng tôi còn nghe thấy tiếng nấc nhẹ của em.

Giờ học sinh làm bài, tôi bước ra khỏi lớp một lúc và quay vào, trên tay tôi cầm tờ tiền mệnh giá 10.000 đồng. Tôi hỏi Linh:

– Đây có phải là tiền của em không ?

– Dạ thưa cô, đúng rồi ạ!

              Tôi nói tiếp:

– Cô vừa gặp bác bảo vệ, bác nói có bạn nhỏ nào ở lớp mình làm rớt 10.000 đồng trong giờ ra chơi và được em học sinh lớp 1 nhặt được. Lần sau cần cẩn thận hơn, không để lại làm mất hay đánh rơi tiền em nhé!

Linh gật đầu. Khuôn mặt em ánh lên niềm vui khi tìm lại được số tiền đã mất.

Khi tiếng trống cuối giờ vang lên, Nhi bước đến bàn, nhìn tôi với ánh mắt cảm động không nói lên lời.            Em nức nở:

– Em cảm ơn vì cô đã tin tưởng em.

Tôi nhìn em đầy trìu mến :

– Đối với cô, em là một đứa học trò ngoan, cô hiểu em sẽ không bao giờ làm những việc như vậy và sự thật đã chứng minh điều đó là đúng. Cô rất mừng vì em đã không làm cho cô thất vọng.

Ngày hôm đó, dưới ánh nắng chiều sắp tắt, khoảng cách giữa hai cô trò chúng tôi trở nên gần nhau hơn bao giờ hết.

Qua câu chuyện, tôi muốn nhắn nhủ đến các bạn rằng Khi ta trao yêu thương sẽ nhận lại yêu thương. Sự bao dung, lòng nhân ái của người thầy luôn có sức mạnh to lớn để giáo dục và cảm hóa học sinh. Thật hạnh phúc biết bao khi mỗi chuyến đò qua sông chúng ta lại có thêm nhiều niềm vui mới vì đã góp sức mình đào tạo ra những nhân cách tốt đẹp cho đời.

                                                  Cô giáo Lê Thị Phương Dương