Ban biên tập xin giới thiệu những bài thơ hay về “Người thầy”
Nơi thầy ấm áp một tấm lòng bao dung.
Suốt quãng đời dạy học đã để lại trong tôi biết bao kỉ niệm vui buồn cùng với đồng nghiệp, phụ huynh và những học sinh thân thương.
Sở dĩ vui buồn đều có là vì cũng lắm khi cách xử sự của tôi không hay đã làm người khác buồn lòng mà tôi cần phải tự khắc phục. Bên cạnh khuyết điểm của bản thân, cũng có những kỉ niệm đẹp giúp tôi phấn chấn hơn trong công việc và thêm yêu nghề dạy học của mình.
Ngoài giờ làm việc, thỉnh thoảng tôi dành một chút thời gian ghi lại trong tập nhật kí : “Nói với các con thân yêu của mẹ” những mẩu chuyện trong nghề như là những thông điệp nhắc nhở con rèn luyện tính kiên nhẫn, sống có niềm tin, hi vọng và lòng biết ơn. Tôi nhận thấy việc dùng ngôn ngữ viết để giáo dục trẻ cũng rất hiệu quả. Mai này tôi già yếu, kém trí nhớ hoặc không còn trên cõi đời thì những dòng chữ ấy sẽ ở lại mãi trong con, giúp con mình sống nên người.
Với muôn vàn chuyện xảy ra ở lớp học, giờ đây, tôi xin kể về một việc làm để lại kết quả tốt đẹp trong hoạt động chủ nhiệm của mình. Chuyện xảy ra vào đầu tháng 3 năm 2012.
Ngày ấy, sau giờ tan học, hai học sinh của tôi đánh nhau ở trường. Đến 8 giờ tối, phụ huynh em Bảo (Bảo : người bị đánh) điện thoại, tôi mới biết và phụ huynh có nói là đã đến gặp ba của em Hoàng (Hoàng : người đánh Bảo) trao đổi rồi.
Chưa biết rõ ai đúng sai trong chuyện này, sáng hôm sau, tôi đến trường sớm hơn mọi ngày để tìm hiểu sự việc. Phụ huynh em Bảo cũng đến trường sau tôi ít phút.
Vừa gặp tôi, ba Bảo xin gọi em Hoàng lên và phụ huynh trình bày với tôi trước mặt cả hai em : “Chỉ vì một lí do Bảo xúi bạn Huy không cho Hoàng mượn truyện mà Hoàng đã dùng chiếc nẹp cửa sổ để đánh Bảo thâm tím nhiều chỗ. Bảo bỏ chạy mà Hoàng vẫn rượt đuổi theo để đánh” …
Sau khi Hoàng gục đầu xác nhận là đúng, tôi an ủi Bảo và phụ huynh của em rồi nói sẽ nhắc nhở thêm học trò. Khi phụ huynh ra về, tôi nhìn ba chỗ bầm tím trên người Bảo mà thương tâm : gần mắt, trên tay và ngang lưng.
Lúc đầu, tôi phân tích cho Hoàng và cả lớp thấy tác hại nếu lỡ đụng vào mắt của bạn sẽ ra sao : đôi mắt rất quý giá để mình nhìn thấy biết bao điều kì diệu, đáng yêu của cuộc đời. Điều này tôi đã từng ví dụ cụ thể bằng những lời mộc mạc hơn cho trẻ con dễ hiểu.
Tôi ít khi phạt học trò, dù là những lời chê trách, than phiền nhưng lần này tôi đã khẽ vào tay Hoàng một cái thật mạnh và gõ liên tiếp mấy cái lên mặt bàn. Em Hoàng khi đó cũng lì lắm, mặt cứ trơ trơ. Rồi tôi hét rất to, chưa bao giờ tôi dữ dằn như thế : “Tôi có đánh trò 10 roi, 100 roi cũng không còn tác dụng gì nữa cả, bạn Bảo đã đau ê ẩm cả người rồi.” Lúc đó, tôi đẩy Hoàng ra khỏi lớp và nói : “Bước ra, ra khỏi lớp ngay, tôi không dạy trò nữa, tôi không có một người học sinh như trò. Sao mà đánh bạn tàn nhẫn quá vậy ? ”… Nói đến đây, bỗng dưng hai hàng nước mắt tôi trào ra. Nhìn Bảo, nhìn Hoàng, cảm giác trong tôi như là nỗi lòng của một người mẹ.
Lúc này Hoàng mới bật khóc và cứ cố chạy vào lớp. Tôi ngăn lại quyết liệt. Thấy cũng tội nhưng phải vậy, tôi không chịu được. Cả lớp im phăng phắc. Sau đó, tôi ghi bài lên bảng cho học trò còn Hoàng vẫn đứng ở cửa ra vào lớp.
Nói thế thôi chứ một lát sau, tôi cũng cho Hoàng về chỗ và yêu cầu Hoàng viết một lá thư xin lỗi bạn với những ý là đã làm gì để bạn buồn, nêu tác hại việc làm của mình và hứa với bạn những gì nữa. Cuối buổi học hôm ấy, tôi có gặp bố của Hoàng trao đổi để phụ huynh nhắc nhở thêm cho con. Và đặc biệt nỗi bất bình trước cách cư xử của Hoàng cũng tan biến dần trong tôi khi đọc những dòng thư em viết cho Bảo đầy xúc động của một người hối lỗi.
Ít lâu sau, lúc viết sổ liên lạc giữa kì II của Hoàng, sau phần nhận xét về học tập, các hoạt động ở lớp, tôi có viết : “Biết khắc phục khuyết điểm như vậy là rất ngoan.”
Nhìn lại phần nhận xét của mình, tôi mỉm cười nhớ đến một thầy giáo cũ (Thầy Lê Tử Tín, Giảng viên bộ môn PPDH Toán, trường ĐHSP Đà Nẵng – Chủ nhiệm Khoa Tiểu học). Tôi thầm nghĩ : “Sao mà học cách nói giống thầy quá vậy ?” Thực ra thầy của tôi cũng không nói câu ấy vì những chuyện ở lớp tôi có phải thế đâu. Nhưng mà tôi đã lĩnh hội được từ phong cách dạy học của thầy. Thầy rất hiền nhưng thật nghiêm khắc. Có một lần, tôi đi học trễ cùng với nhiều bạn, thầy vẫn cho vào lớp và nói : “Những ai đi học trễ là không phải học trò của tôi.” Rồi suốt tiết học ấy, thầy vẫn dạy bình thường nhưng nét mặt không vui như mọi khi. Dù thầy không phạt tôi gì cả nhưng tôi rất sợ. Một câu nói của thầy mà cả tiết học tôi cứ có cảm giác mình bị lạc lõng. Nhưng không hiểu sao, tôi vẫn có niềm tin rằng thầy luôn thương tôi và tôi ghi nhớ để không bao giờ tái phạm nữa…
Hôm nhận được sổ liên lạc từ phụ huynh học sinh gửi lại, tôi thấy những dòng chữ của phụ huynh : “Gia đình tôi rất mừng khi thấy cháu tiến bộ nhiều. Chân thành cảm ơn sự chỉ bảo của cô. Kính chúc cô luôn mạnh khỏe và có nhiều học trò ngoan.” (Khác với mọi lần phụ huynh chỉ kí sau khi xem)
Tôi thầm cảm ơn thầy về những gì tôi đã học được từ thầy. Thầy dạy học rất tận tâm, dễ hiểu. Có lẽ chưa lần nào tôi thấy vẻ mệt mỏi trên gương mặt hiền từ của thầy. Những buổi lên lớp, thầy đến rất đúng giờ, nghiêm khắc, cả lớp tôi ai cũng “lạnh” nên bài vở học môn thầy rất chỉn chu. Nhờ vậy mà nhiều người tiến bộ và tuy sợ nhưng rất thích đến tiết học Toán của thầy bởi lẽ họ được nhận từ thầy một ánh mắt trìu mến, một nụ cười thân thiện và những cử chỉ ân cần. Thầy luôn quan tâm đến tất cả sinh viên của khóa học nhất là những bạn có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài giờ dạy, thầy vui vẻ giảng thêm nhiều bài tập khó cho sinh viên, giúp đỡ nhiều bạn của tôi về vật chất lẫn tinh thần. Thầy rất đẹp với những cung cách sinh hoạt, làm việc, hoạt động, xử sự đã tạo nên cái riêng trong phong cách sống của thầy. Nơi thầy ấm áp một tấm lòng bao dung.
Dù chỉ là học chút ít một phần nhỏ của thầy nhưng tôi thấy hiệu quả biết bao: Học trò dễ thương, chơi lại với nhau vui vẻ và phụ huynh cũng quý mến mình.
Qua sự việc xảy ra với học trò năm ấy, tôi đã rút ra được một kinh nghiệm sống cho mình : “Xử sự việc gì trong tình thương cũng đạt được điều mình mong đợi.” Điều này tôi đã đọc từ một “pho sách”. “Pho sách” ấy chính là hình ảnh của thầy giáo đấy ! …
Thực sự bản thân tôi còn rất nhiều hạn chế, nhiều trăn trở băn khoăn trước những tình huống xảy ra trong lớp học, trong cuộc sống của học trò. Đôi khi cách làm của mình không đem lại kết quả được như ý muốn nhưng tôi luôn tự nhủ mình cần phải giảng dạy và giáo dục các em nhiệt tình với hết cả khả năng và lương tâm của một nhà giáo để được tốt chừng nào hay chừng đó.
Châu Thị Hồng
Bài viết đã được đăng trên Tạp chí Thế giới trong ta số 143 tháng 9 năm 2014.
THƯA THẦY
Thưa thầy, bài học chiều nay
Con bỏ quên ngoài cửa lớp
Dưới gốc phượng già, nằm nghe chim hót
Con hóa mình thành bướm và hoa.
Thưa thầy bài tập hôm qua
Con bỏ vào ngăn khóa kín
Mải lượn lờ theo từng vòng sóng
Cái ngã điệu đàng, sân trượt patin
Thưa thầy, bên ly cà phê đen
Con đốt thời gian bằng khói thuốc
Sống cho mình và không bao giờ mơ ước
Mình sẽ là ai ? Tôi sẽ là ai ?
Thưa thầy, qua ngõ nhà thầy khuya nay
Con vẫn thấy một vầng trăng ấm sáng
Thầy ngồi bên bàn phẳng lặng
Soạn bài trong tiếng ho khan
Thưa thầy, cho là nhận: điều giản đơn
Sao con học hoài không thuộc
Để bây giờ khi con hiểu được
Biết làm sao tạ lỗi cùng thầy
Sưu tầm
Lời ru của thầy
Mỗi nghề có một lời ru
Dở hay thầy cũng chọn ru khúc này
Lời ru của gió màu mây
Con sông của mẹ đường cày của cha
Bắt đầu cái tuổi lên ba
Thầy ru điệp khúc quê nhà cho em
Yêu rồi cũng nhớ yêu thêm
Tình yêu chẳng có bậc thềm cuối đâu!
Thầy không ru đủ nghìn câu
Biết con chữ cũng đứng sau cuộc đời
Tuổi thơ em có một thời
Ước mơ thì rộng như trời, ngàn năm
Như ru ánh lửa trong hồn
Cái hoa trong lá, cái mầm trong cây
Thầy ru hết cả mê say
Mong cho trọn ước mơ đầy của em.
Mẹ ru em ngủ tròn đêm
Thầy ru khi mặt trời lên mỗi ngày
Trong em hạt chữ xếp dày
Đừng quên mẹ vẫn lo gầy hạt cơm
Từ trong vòm mát ngôi trường
Xin lời ru được dẫn đường em đi
(Con đường thầy ngỡ đôi khi
Tuổi thơ lăn một vòng bi tới rồi!)
Hẳn là thầy cũng già thôi
Hóa thân vào mỗi cuộc đời các em
Thì dù phấn trắng bảng đen
Hành trang ấy đủ thầy đem theo mình
Tạ Nghi Lễ
LỜI CỦA THẦY
Rồi các em một ngày sẽ lớn
Sẽ bay xa đến tận cùng trời
Có bao giờ nhớ lại các em ơi
Mái trường xưa một thời em đã sống
Nơi đã đưa em lên tầm cao ước vọng
Vị ngọt đầu đời bóng mát ca dao
Thủa học về cái nắng xôn xao
Cho con bay khỏi vùng trời cổ tích
Có những lúc thầm lặng con ngắm.
Vầng trán thầy đọng lại những nếp nhăn…
Tuổi thơ con như những ánh trăng rằm,
Sao thấy được nỗi lòng thầy cùng năm tháng.
Đã qua rồi một thời và con đã lớn.
Bài học đầu đời con hiểu được thầy cô.
Lời giải đáp cho con không còn là ẩn số
Mà cả tấm lòng thầy quảng đại bao la.
Ở nơi xa theo hương bay của gió,
Con gởi lòng mình tôn kính đến thầy yêu.
Sưu tầm
THẦY
Cơn gió vô tình thổi mạnh sáng nay
Con vẫn thấy tóc thầy bạc trắng
Cứ tự nhủ rằng đó là bụi phấn
Mà sao lòng xao xuyến mãi không nguôi
Bao năm rồi ? Đã bao năm rồi hở ? Thầy ơi…
Lớp học trò ra đi, còn thầy ở lại
Mái chèo đó là những viên phấn trắng
Và thầy là người đưa đò cần mẫn
Cho chúng con định hướng tương lai
Thời gian ơi xin dừng lại đừng trôi
Cho chúng con khoanh tay cúi đầu lần nữa
Gọi tiếng thầy với tất cả tin yêu.
Sưu tầm
NẮNG ẤM SÂN TRƯỜNG
Cây điệp già xòe rộng tán yêu thương
Lá lấp lánh cười duyên cùng bóng nắng
Giờ đang học, mảng sân vuông lặng vắng
Chim chuyền cành buông tiếng lạnh bâng qươ
Chúng em ngồi nghe thầy giảng bình thơ
Nắng ghé theo chồm lên ngồi bệ cửa
Và cả gió cũng biết mê thơ nữa
Thổi thoảng vào mát ngọt giọng thầy ngâm.
Cả lớp say theo từng nhịp bổng trầm
Điệp từng bông vàng ngây rơi xoay tít
Ngày vẫn xuân, chim từng đôi ríu rít
Sà xuống sân tắm nắng ấm màu xanh
Em ngồi yên uống suối mật trong lành
Thời gian như dừng trôi không bước nữa
Không gian cũng nằm yên không dám cựa
Ngại ngoài kia nắng ấm sẽ thôi vàng
Sân trường căng rộng ngực đến thênh thang
Kiêu hãnh khoe trên mình màu nắng ấm
Lời thơ thầy vẫn nhịp nhàng sâu lắng
Nắng ấm hơn nhờ giọng ấm của người…
Nguyễn Liên Châu
THẦY VÀ CHUYẾN ĐÒ XƯA
Lặng xuôi năm tháng êm trôi
Con đò kể chuyện một thời rất xưa
Rằng người chèo chống đón đưa
Mặc cho bụi phấn giữa trưa rơi nhiều
Bay lên tựa những cánh diều
Khách ngày xưa đó ít nhiều lãng quên
Rời xa bến nước quên tên
Giờ sông vắng lặng buồn tênh tiếng cười
Giọt sương rơi mặn bên đời
Tóc thầy bạc trắng giữa trời chiều đông
Mắt thầy mòn mỏi xa trông
Cây bơ vơ đứng giữa dòng thời gian…
Nguyễn Quốc Đạt
HOA
VÀ NGÀY 20-11
Nụ hoa hồng ngày xưa ấy
Còn rung rinh sắc thắm tươi
20-11 ngày năm ấy
Thầy tôi tuổi vừa đôi mươi
Cô tôi mặc áo dài trắng
Tóc xanh cài một nụ hồng
Ngỡ mùa xuân sang quá
Học trò ngơ ngẩn chờ trông…
Nụ hoa hồng ngày xưa ấy…
Xuân sang, thầy đã bốn mươi
Mái tóc chuyển màu bụi phấn
Nhành hoa cô có còn cài?
Nụ hoa hồng ngày xưa ấy…
Tà áo dài trắng nơi nao,
Thầy cô – những mùa quả ngọt
Em bỗng thành hoa lúc nào.
Phạm Thị Thanh Nhàn
….Và những bài viết ấn tượng
KỈ NIỆM
Là giáo viên trực tiếp giảng dạy gần 20 năm, qua nhiều trường khác nhau trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Có lẽ công tác chủ nhiệm là công việc nhiều buồn vui trong suốt thời đi dạy của tôi. Một kỉ niệm hằn sâu trong kí ức mà có lẽ trong suốt cuộc đời không bao giờ quên được.
Năm 2006, sau khi nhận công tác tại trường Tiểu học Trần Cao Vân được hai năm, tôi được phân công chủ nhiệm lớp 5/8. Trong lớp tôi chủ nhiệm có cậu học sinh khôi ngô, vóc người nhỏ nhắn, khuôn mặt hiền từ, tính nết hiền lành, đặc biệt rất vui vẻ và hòa đồng với các bạn. Đấy là cậu học sinh Nguyễn Văn Huy. Ham học nhưng ngặt nỗi Huy hay ốm vì chứng bệnh đau bụng. Tất nhiên, việc chuyên cần không được cao vì Huy hay nghỉ học. Một hôm, cô trò chúng tôi đang say sưa dạy và học. Bỗng…nhìn ra cửa lớp, tôi thấy xuất hiện bóng dáng bố của Huy. Bố Huy gặp tôi với khuôn mặt thất thần, giọng ông run run: “ Cô ơi! Huy đã bị ung thư gan giai đoạn cuối.” Nghe tin đó, tôi lặng người đi, tay chân rụng rời, bàng hoàng xúc động. Một số em không kìm được cảm xúc bật khóc òa, Suốt cả buổi học đó, cô trò chúng tôi chẳng dạy và học được gì.
Gia đình Huy cực kì nghèo. Ngôi nhà nhỏ, ẩm thấp nằm sâu trong con hẻm nhỏ của tổ 30 phường Tân Chính. Bố đi đạp xích lô, mẹ bán rau hành ven chợ. Em lâm bệnh hiểm nghèo, tiền đâu chạy chữa? Cần chia sẽ với gia đình Huy lúc này là thiết thực. Tôi đã tâm sự điều này với thầy hiệu trưởng và Hội Chữ thập đỏ của trường. Được sự cho phép của thầy, tôi tìm cách vận động phụ huynh, các thầy, cô giáo hảo tâm hỗ trợ cho gia đình Huy từ tinh thần đến vật chất. Tôi cũng đã gặp các phụ huynh của trường là bác sĩ giỏi xin hỗ trợ thuốc men cho Huy để đỡ bớt chi phí cho gia đình. Bệnh tình của Huy không thuyên giảm mà ngày càng nặng thêm. Thấy vậy, chúng tôi đến động viên gia đình nên đưa Huy vào thành phố Hồ Chí Minh để chạy chữa. Bởi chúng tôi cùng quan điểm: “Còn nước, còn tát”.
Trước ngày Huy đi chữa bệnh, bố Huy đến gặp thầy hiệu trưởng xin được quay phim tiết dạy của cô và tiết học của lớp để Huy có kỉ niệm trước khi đi xa. Tôi đã từng dạy minh họa chuyên đề “ Bàn tay nặn bột” cho toàn quốc dự hay dạy trong phóng sự truyền hình vì trong lớp có em Hoàng Linh, học sinh giỏi Tin học cấp quốc gia, tôi đã làm được. Còn đằng này, dạy tiết học để chia tay học sinh của mình khi biết em sẽ đi xa mãi mãi, làm sao tôi dạy được đây? Lúc đó, tôi bồi hồi xúc động, cố nuốt nước mắt vào trong mà không nói được lời nào. Nhìn ánh mắt động viên của thầy hiệu trưởng, sự khích lệ của các anh chị trong đồng nghiệp, ánh mắt tha thiết của gia đình, tôi thương em quá! Tôi cố lấy lại bình tĩnh và bắt đầu tiết dạy. Tiết dạy diễn ra bình thường. Tôi đến bên Huy, theo dõi bài làm của em,…Nhìn khuôn mặt ngây thơ, bàn tay xương
xương, thân hình gầy guộc của Huy, nước mắt tôi lại tuôn trào, lòng tôi thắt lại một nỗi đau không gì tả xiết!
Huy được gia đình đưa đi chữa bệnh. Hằng đêm, tôi luôn cầu nguyện mong bệnh tình của em được thuyên giảm. Tôi và thường xuyên liên lạc với gia đình Huy để nắm bắt tin tức mặc dù biết hi vọng lúc bấy giờ thật mỏng manh nhưng chúng tôi vẫn thầm chờ đợi mong một phép nhiệm màu nào đó sẽ đến với em.
Tôi vừa nhận thêm được thuốc bổ từ một bác sĩ là phụ huynh của trường, chúng tôi chưa kịp gửi vào thì đã nghe tin dữ: Huy không còn sức lực nữa, không chịu được cơn đau nên đã trút hơi thở cuối cùng tại bênh viện Chợ Rẫy thành phố Hồ Chí Minh. Tôi sững người, đất dưới chân tôi như sụt xuống: Sao nhanh vậy?- Huy đã đi thật rồi sao?
Một lần nữa tôi lại quyên góp một số tiền để cùng gia đình lo đám cho em. Ngày đưa xác em về, cô trò chúng tôi không cầm được nước mắt. Huy nằm đó mà bất động. Cầm tay em, tôi lặng người…
Sáng đưa tang em, trời mưa tầm tả. Bốn giờ sáng, tôi đã có mặt tại nhà em cùng với hơn mười học sinh của lớp. Quá vội, tôi chưa kịp xin phép lãnh đạo nhà trường. Các em xin phép tôi cho các em đi tiễn bạn lần cuối. Nhìn ánh mắt cầu khẩn của các em, tôi đồng ý dẫn các em đi. Mưa mỗi lúc một nặng hạt, áo quan của em phải đậy ni lông không thì ướt sũng. Lúc hạ huyệt, nước chảy xiết, nước ngập đến nửa huyệt, quan tài em chòng chành, chòng chành- Nhìn mà thấy nao lòng, tội nghiệp em quá, Huy ơi!
Vĩnh biệt em! Một nắm đất bỏ xuống, chúng tôi cùng các em nghẹn ngào cầu nguyện. Không biết học sinh của tôi cầu nguyện điều gì nhưng riêng tôi, tôi cầu mong em được siêu thoát…
Mặc dù về trường bị khiển trách vì không xin phép và tự ý dẫn học sinh đi nhưng tôi cũng thấy có gì đó yên bình vì đã làm được một việc cần làm và vui vẻ nhận khuyết điểm với Ban giám hiệu.
Cho đến bây giờ, mỗi lúc ngồi soạn bài một mình vào đêm khuya, bất chợt tôi lại nghĩ về em, nghĩ đến cậu học trò cũ đã an giấc ngàn thu. Tôi như mất mát một điều gì, bất chợt nước mắt lại tuôn trào như có cái gì nghèn nghẹn ở cổ. Tôi đang muốn nói với em rằng: “ Cô luôn nhớ đến em! Hãy yên lòng nơi chín suối em nhé !”.
Đó là một kỉ niệm buồn phải không các bạn? Mong rằng, đừng ai có những kỉ niệm buồn đau lòng như tôi!
Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, Tôi kính chúc các thầy cô giáo thật nhiều niềm vui và thành công trong sự nghiệp trồng người.
Người viết
Nguyễn Thị Vân Thùy
MÃI MÃI TRONG TÔI (1)
Trải qua 31 năm rồi nhưng tôi vẫn nhớ mãi những năm tháng thơ ấu của mình. Đó là quãng thời gian đẹp đẽ đọng lại trong tôi hình ảnh cô giáo chủ nhiệm lớp Một. Những ngày đầu cắp sách đến trường, tuy mới lên sáu tuổi nhưng tôi vẫn nhớ rất rõ về cô giáo kính yêu và nhớ mãi cho đến tận bây giờ.
Cô giáo của tôi tên là Trần Thị Út Lan, giáo viên trường PTCS cấp I và II Hoàng Diệu. Cô nổi bật với mái tóc uốn bồng bềnh dài đến gần nửa lưng và chiếc lúm đồng tiền rất xinh mỗi khi cô cười. Cô giảng bài rất dễ hiểu, giọng nói thật dịu dàng. Đặc biệt cô luôn ân cần hỏi thăm, quan tâm đến tất cả các bạn trong lớp. Cả lớp tôi ai cũng mến cô và rất thích đi học…
Tôi nhớ có một lần, ba của tôi đi họp PHHS cuối học kỳ 1 về liền ôm chầm lấy tôi, hôn lên mái tóc và bảo: “ Ba rất hãnh diện về con.” Rồi ba tôi kể là trong buổi họp, đến phần nhận xét học sinh cô giáo có hỏi ai là phụ huynh của tôi. Sau khi ba tôi đưa tay, cô giáo đã mời ba tôi đứng dậy và khen tôi những gì tôi không nhớ nữa. Ngày tháng qua đi, dưới sự dìu dắt tận tình đầy yêu thương của cô giáo, cuối năm học ấy tôi được xếp vị thứ nhất.
Với kết quả học tập như vậy là một niềm vui lớn trong khoảnh khắc đối với gia đình tôi. Hoàn cảnh gia đình tôi lúc ấy rất khó khăn, ba mẹ tôi phải lo toan kiếm sống nuôi 9 đứa con thì còn thời gian đâu nữa để cùng tôi thưởng thức niềm vui kia chứ. Chị Hai tôi đang học Đại học Sư phạm Huế, em út tôi còn đi chập chững, tôi là con thứ bảy trong nhà. Và rồi, một buổi chiều, tôi nhớ rất rõ, đang chạy chơi trong xóm, tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy cô giáo đạp xe tìm đến nhà mình.
Tôi biết, chiều nay, trường của tôi tổ chức lễ Tuyên dương khen thưởng cuối năm học. Nhưng không hiểu vì sao tôi chẳng chuẩn bị gì cả. Cô giáo đã dắt tôi vào nhà và tắm cho tôi. Khi ấy, trong nhà tôi có những ai tôi cũng không nhớ, chỉ biết là ba tôi đã đi kéo xe bò, mẹ tôi ngồi may vá áo quần ở ngoài chợ. Vừa trò chuyện, cô giáo vừa tìm trong mớ áo quần lộn xộn để chọn cho tôi chiếc áo đầm xinh xắn màu đỏ. Được cô chăm sóc tôi rất vui nhưng cũng thấy thẹn thùng. Cô chở tôi đến nhà Trang, người bạn xếp vị thứ nhì của lớp. Đến nhà Trang thì bạn ấy đã chỉnh tề trong bộ đồ mới. Cả hai đứa chúng tôi ngồi sau ôm cô thật chặt…Những năm học tiếp theo, mỗi khi đến dịp Tết, tôi đã tự đi bộ gần hai cây số để tới thăm cô ở đường Đống Đa, Đà Nẵng. Năm tôi lên lớp bốn thì cô đã vào thành phố Hồ Chí Minh. Tôi rất buồn và luôn nhớ đến cô…
Cô ơi! Giờ đây em đã là một giáo viên Tiểu học. Học trò của em không còn ai đi chân đất đến trường. Những học sinh ngoan, học giỏi phần lớn là con cái của những gia đình được bố mẹ quan tâm, chăm sóc chu đáo. PHHS có điều kiện gặp gỡ cô giáo thường xuyên để trao đổi việc học hành của con mình chứ không đến nỗi vất vả như ba em, 4 giờ sáng tinh mơ đã kéo xe lăn bánh trên đường. Nhiều bữa cơm trưa, ba em cũng chưa về. Những khi về muộn, ba ăn vội vã vài miếng rồi lại ra đi. Thường thường, khoảng 8 giờ tối ba em mới trở về nhà. Còn mẹ em cũng bận bịu may vá, nội trợ suốt ngày…Nhìn hiện tại, nghĩ lại quá khứ, em biết cô làm công tác chủ nhiệm khổ gấp vạn lần. Nhiều lúc, gặp những học sinh cá biệt, em gần như tuyệt vọng thì hình ảnh cô hiển hiện trước mắt em như động viên thôi thúc em chớ có nản lòng…
…
Ngẫm nghĩ về bản thân, tôi thấy mình chưa làm được gì cho học trò gọi là hy sinh cả. Những ngày tháng trong trường Sư phạm, lúc qua trường Thực hành dự giờ có mấy học sinh bàn cuối làm tính không được, tôi ao ước sau này sẽ đến tận nhà các em để hướng dẫn. Tôi còn dự tính hàng tháng sẽ tự tay làm bánh sinh nhật cho những em sinh cùng một tháng, vì tôi biết làm bánh kem rất thành thạo…Đó chỉ là những ước muốn và còn nhiều ước muốn nữa. Nhưng nghĩ thì dễ, ai nghĩ mà chẳng được. Cái quan trọng là thực thi ý nghĩ của mình thì tôi chưa làm …Trò chuyện với đồng nghiệp, tôi mới biết có những thầy cô lớn tuổi dạy cùng trường với mình cũng bước đi trên con đường đầy chông gai, vất vả không kém gì cô giáo Út Lan…
Không chỉ riêng cô giáo lớp Một, mà các thầy cô giáo trải qua trong cuộc đời đi học của tôi đều là những tấm gương sáng ngời cho sự hi sinh cao cả trong việc trồng người.
Có được ngày hôm nay chính là nhờ công ơn của các thầy cô mở ra cho tôi con đường đầy hoa thơm, trái ngọt. Hình ảnh thầy cô mãi mãi khắc sâu trong trái tim tôi. Tôi muốn nói thật to rằng là : “ Cô ơi, em sẽ làm được.”
Người viết
Châu Thị Hồng
Giáo viên
(1) Đã được Tạp chí Thế giới trong ta dăng số 71 + 72 (2008)
CHUYỆN HẠT PHẤN
Có một viên phấn u buồn, lúc nào nó cũng cho rằng số phận nó thật bạc bẽo khi sinh ra làm một viên phấn. Khi nhìn bạn bè xung quanh quần áo đầy màu sắc như các bạn chì màu hay to lớn như sách vở, thậm chí người bạn thân thiết của nó là viết chì dần dần cũng ít nói chuyện với nó hơn. Viên phấn ngày càng trầm lặng và ít nói.
Thời gian trôi qua nhưng nó vẫn nằm ỳ một góc trong cửa hàng, không ai ngó tới, nó muốn lang thang khắp nơi tìm một khoảng không gian của riêng mình, muốn chứng minh cho mọi người thấy rằng nó cũng là có ích và nó có thể làm được những chuyện to lớn, nhưng với hoàn cảnh của mình hiện tại nó biết điều đó là không thể. Rồi một ngày cũng có người mang nó đi. Đó là một thầy giáo già, ăn mặc có vẻ xềnh xoàng. Ngày ra đi bạn bè không ai đến tiễn nó, đơn giản là vì nó không có bạn bè nào cả. Nó rất tủi thân vì nghĩ mình thật cô độc, đối với nó bây giờ đi đâu cũng vậy thôi, trên đời còn gì là quan trọng đối với nó nữa khi nó đã bị lãng quên? Mải mê suy nghĩ, lúc nhìn lại nó đã thấy mình nằm gọn trong một cái hộp gỗ. Nghe bước chân vội vã của vị chủ nhân mới, nó cũng lờ mờ đoán chắc mình sẽ trải qua một chuyến đi đâu đó. Chắc là đến nơi ở mới chứ gì? Mặc kệ, tới đâu cũng vậy thôi. Nghĩ vậy, nó lăn ra ngủ say chẳng thèm quan tâm tới tiếng động xung quanh nữa.
Viên phấn đâu biết là nó phải đi một quãng đường xa như thế nào. Đường khá xa và khó đi nên vị chủ nhân mới của nó đã phải rất vất vả: nào là đi xe ôm rồi xe bò, đến những đoạn đường khó đi thì phải lội bộ. Mồ hôi ông ta vã ra như tắm, lưng áo ướt nhẹp. Cuối cùng thì ông cũng đã đến được cái bản nhỏ nằm cheo veo trên núi cao.
Tiếng chào hỏi rộn ràng của những dân làng đã đánh thức viên phấn trắng dậy. Nó vẫn nằm trong cái ba lô của người thầy giáo già nên không thể nào nhìn thấy được khung cảnh xung quanh, chỉ nghe người ta đang nói đến cái lớp học gì đó. Thầy cẩn thận đặt nó cùng chiếc ba lô vào một góc gọn gàng trước khi ra nói chuyện cùng dân làng. Buổi tối, nó nghĩ chắc ông chủ sẽ đi ngủ sớm vì cả ngày đã đi rất vất vả. Nhưng khi mọi vật đã chìm vào trong giấc ngủ nhưng thầy vẫn cặm cụi xếp từng quyển tập, một hộp viết, mấy quyển sách lớp một vào cái cặp da đã sờn. Thầy đặt nó vào hộp gỗ và cho vào ngăn kéo phía ngoài cùng. Thầy nói với viên phấn và những người bạn khác được thầy mang theo là ngày mai chúng sẽ trở thành anh hùng trong trận chiến với giặc dốt, thầy tự hào vì chúng luôn kề bên, ủng hộ và giúp thầy trong quãng thời gian ý nghĩa nhất của đời mình. Từ ngày nó được thầy mang về, không hiểu sao nó cảm thấy vui vẻ hơn; vì những người bạn mới của nó trông cũng cũ kỹ và quê mùa như nó. Nó khoe với những người bạn mới quen về nơi nó từng ở đẹp như thế nào, mọi người trầm trồ ngưỡng mộ nó và dĩ nhiên là nó không nói về mối quan hệ của nó với các bạn ở đó.
Tự nhiên viên phấn có cảm giác tự hào về xuất thân của mình.
Khác với thường ngày ở cửa hàng, mới sáng tinh mơ viên phấn đã bị giật dậy bởi tiếng gà gáy của chú gà trống nào đó. Thì ra là thầy đã dậy và chuẩn bị đến một nơi nào nữa. Một thanh niên vóc dáng lực lưỡng trong bản đến thưa với thầy rằng anh ta sẽ dẫn thầy qua bản kế bên vì lớp học được đặt ở đó. Lại tiếp tục lên đường, ban đầu là đường đất đỏ, sau đó là dốc đá với đường đi rất hẹp, kế đến là lội qua con suối vắt ngang con đường, rồi leo lên một cái dốc nhỏ nữa mới đến nơi. Trên suốt quãng đường lúc nào thầy cũng ôm chiếc túi trước ngực, anh thanh niên muốn mang giúp thầy nhưng thầy bảo để thầy xách được rồi. Thầy bảo không hiểu sao mỗi lần ôm nó vào lòng thầy lại như được tiếp thêm sức mạnh. Thầy sợ vác ba lô trên lưng khi đi trên đường gồ ghề thì những viên phấn sẽ rất dễ gãy hay lỡ bị ướt thì viết chữ sẽ không đẹp. Lần đầu tiên viên phấn cảm thấy mình quan trọng và được chở che như vậy, tại sao như thế vậy nhỉ?
Lớp học là một mái nhà tranh nhỏ nằm dưới một tán cây lớn, một đám trẻ đang nhốn nháo trước sân chơi đùa. Khi nghe anh thanh niên giới thiệu là thầy mang con chữ đến bản làng đã tới thì lập tức chúng xếp thành hai hàng ngay ngắn chào thầy. Nhìn cảnh đó, viên phấn thấy thầy có vẻ cảm động lắm.
Lớp học là bốn chiếc bàn gỗ nhỏ một chiếc bàn lớn hơn được đặt ở phía trên tất cả trông đều đã cũ, mấy khúc gỗ được cắt ngang làm ghế, một tấm bảng sơn đen. Trước giờ lên lớp là thời gian thầy tìm hiểu về hoàn cảnh từng đứa trong đám trẻ mà thầy sẽ đứng lớp. Với thầy dạy lũ trẻ này biết chữ không chỉ là nghĩa vụ mà tất cả xuất phát từ trái tim người giáo đang khao khát ươn mần tương lai. Trong những ánh mắt ngây thơ, long lanh hiện lên hình ảnh về tương lai chúng sẽ tô điểm quê hương tươi đẹp của mình nếu chúng biết vận dụng con chữ vào đời sống qua lời kể chân tình của thầy. Viên phấn ngày càng ngưỡng mộ thầy hơn, nó bây giờ nhận ra thầy mới chính là người anh hùng chứ không phải là nó như thầy từng nói với nó trước kia. Bảng đen từ đầu luôn im lặng bỗng nhiên cất tiếng hỏi viên phấn nhỏ: “cậu đã chuẩn bị thực hiện sứ mệnh của mình chưa và cậu có sợ không ?”, bảng đen giải thích thêm rằng khi mà thầy trao từng con chữ cho lũ trẻ, viên phấn sẽ phai mòn dần, mặt nó sẽ bị tì lên bảng thân thể rời ra vát lên từng câu chữ, rồi cuối cùng thì nó sẽ bị xóa đi không còn gì trên bảng nữa, nó sẽ thành những hạt phấn bé nhỏ không ai nhớ đến. Mặc dù vậy, viên phấn vẫn tự hào khẳng định rằng nó đã sẵn sàng để cống hiến thân mình trên con đường đến với kho tàng tri thức. Viên phấn tự hào rằng nó không hề mất đi mà nó vẫn tồn tại, những hạt phấn bé nhỏ vẫn bám vào mái tóc pha sương, vai áo sờn màu và đôi tay thô ráp đang nắn nót vẽ lên tương lai, nó biết rằng nó không vô hình, mà ngược lại nó càng trở nên sâu đậm hơn vì nó luôn ẩn sau từng câu con chữ mà lũ trẻ ê a ngân lên trong một buổi sáng hơi sương còn dùng dằng chưa muốn rời xa chiếc lá, hay một buổi chiều tà ráng vàng một góc trời nơi bản nhỏ.
Khi ngẫm nghĩ lại về thời gian đã qua phấn thấy mình thật hạnh phúc. Trên quãng đường đời khi còn là viên phấn nó được đôi tay gầy guộc nâng niu, được sống dưới ánh đèn khuya in hình lên vách bóng người thầy hay người bạn tri kỷ của nó đang cặm cụi chuẩn bị cho ngày mai đến lớp, được ôm ấp che chở trong vòng tay ấm áp khi băng rừng lội suối. Khi hóa thân thành hạt phấn nó thấy mình trở nên xinh đẹp hơn, từng hạt phấn nhỏ như lung linh hơn dưới ánh mắt quan tâm, trìu mến dõi theo từng nét tương lai được vẽ lên bằng những ngón tay bé nhỏ như những búp măng. Phấn không muốn rời xa thầy, nó bám lại trên tóc, trên vai thầy như muốn nhắc nhở mọi người về công lao to lớn mà thầy đã âm thầm cống hiến cho quê hương. Dẫu biết rằng rồi mọi người sẽ không còn nhớ đến những công lao mà mình đã cống hiến, nhưng hạt phấn không một lời oán trách hay đòi hỏi cho bản thân mà ngược lại luôn tự hào khi sinh ra làm một hạt phấn. So với những gì mà thầy đã nghĩ và làm, nó thấy những gì nó làm được nhỏ bé, nó ước mong mai sau nó lại được làm viên phấn giúp thầy khơi sáng tương lai và sau đó là hạt phấn mãi bên thầy.
Sưu tầm