Cách tổ chức dã ngoại an toàn cho trẻ của người Nhật

Khi tổ chức đi dã ngoại cho học sinh, các trường Nhật Bản lên kế hoạch chi tiết, đề ra những ‘điều luật’ và buộc phụ huynh và học sinh tuân thủ.

Thời gian qua, tại Việt Nam đã xảy ra nhiều tai nạn thương tâm xảy ra với các cháu mẫu giáo khi tổ chức dã ngoại. Là một người mẹ, tôi cảm thấy rất đau xót trước những thông tin này.

Tôi hiện sinh sống ở Anh và có con đi học tại một trường mẫu giáo của Nhật, nên muốn chia sẻ về cách người Nhật tổ chức cho các cháu đi dã ngoại. Qua đó, mong quý vị phụ huynh lưu ý và các giáo viên có thể học được điều gì đó nhằm hạn chế những chuyện đáng tiếc cho con em mình.

Dã ngoại là một hoạt động rất bình thường, diễn ra đều đặn ở các cấp học. Có thể là những chuyến đi quanh trường nhằm cho học sinh quan sát thiên nhiên bốn mùa, phục vụ cho những tiết học xã hội, luật giao thông, đó có thể là những chuyến đi xa, thậm chí phải ngủ lại.

Bên cạnh đấy, các bé còn có cơ hội thăm thú các địa danh lịch sử, danh lam nổi tiếng hay tạo những kỷ niệm về thời học trò.

Dã ngoại ở bậc mầm non

Ở bậc mầm non (từ 3 đến 6 tuổi), các bé thường có những chuyến dã ngoại gần. Đó là các cuộc đi ra khỏi khuôn viên trường mẫu giáo quen thuộc, cô trò loanh quanh một vài tiếng đồng hồ để tìm hiểu thiên nhiên.

Qua chuyến đi đó, các bé sẽ hiểu mùa xuân có hoa cỏ gì, côn trùng gì, mùa hè ra sao? Mùa thu thế nào? Hoặc đơn giản là đi dọc các phố để học về luật giao thông từ những điều đơn sơ nhất như qua đường thì phải nhìn trái, nhìn phải, đợi đèn xanh, tay giơ lên cao, quan sát phố xá.

Cũng có khi chỉ đơn giản là mang cơm trưa đến công viên gần nhất để cùng chơi và ăn trưa ngoài trời. Các em sẽ di chuyển theo hàng lối, có giáo viên đi trước và sau hàng.

Học sinh được phổ biến những quy tắc đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ trong quá trình đi lại, hoạt động nên sẽ báo cáo thầy cô kịp thời hay nhắc nhở nhau đi đứng trật tự, bám sát các bạn, thầy cô của mình.

Có thể nói những cuộc dã ngoại gần này là sự luyện tập cho các bé kiểm soát bản thân, tinh thần đồng đội, tác phong kỷ luật khi đi lại.

Dã ngoại xa thường diễn ra vào năm học mới, nhà trường đã lên sẵn lịch dã ngoại xa với địa điểm cụ thể cũng như ngày phòng bị cho trường hợp thời tiết mưa bão mà phải hủy dã ngoại.

Thường dã ngoại xa thì phải đi xe buýt hay tàu điện đến các công viên bách thú, công viên thực vật để tham quan và vui chơi, cuộc dã ngoại sẽ kéo dài từ sáng tới chiều, muộn nhất cũng chỉ chừng 3h chiều là đã trở về vì thế sẽ không tới các nơi quá xa. Ở lớp bé và lớp nhỡ thì phải có phụ huynh đi cùng.

Nhà trường sẽ lên kế hoạch cụ thể về thời gian và các bé, phụ huynh chấp hành theo lịch trình có sẵn. Giáo viên dù đi cùng nhưng không tách ra nhóm riêng mà cùng vui chơi, sinh hoạt với học sinh.

Lên lớp lớn thì các bé sẽ tự đi cùng với giáo viên chủ nhiệm. Cuộc dã ngoại được chuẩn bị kỹ càng, học sinh được biết sẽ đi đâu, làm gì, đi bằng phương tiện gì. Lịch hoạt động được lên kế hoạch tỉ mỉ, phân chia thành từng tổ, mỗi tổ có một em làm tổ trưởng, một em tổ phó và các thành viên.

Nhiệm vụ của mỗi người được phân công rõ ràng và thống nhất thành “luật” để mọi người chấp hành. Có danh sách những thứ đồ cần mang đi, phải được ghi tên cẩn thận nhằm tránh nhầm lẫn như khăn tay ướt, khăn tay khô, khăn giấy, miếng trải ni lông chừng 1m2…

Bên cạnh đó, danh sách đồ dùng học sinh cần mang theo không thể thiếu phần cơm trưa, nước uống (nước trà hay nước suối), băng dán vết thương, ba lô, mũ, ô che mưa hay áo mưa, quần áo để thay, bàn chải đánh răng… kể cả tiền để mua vé tàu nếu đi bằng tàu.

Thậm chí, chỗ ngồi trên xe buýt cũng được phân chia và thông báo cụ thể cho mỗi em trước ngày lên đường. Em nào hay bị say xe sẽ được ưu tiên ngồi trước… Các cuộc dã ngoại này cũng thường đi tới các địa danh lịch sử, văn hóa, thiên nhiên để học sinh hiểu về nơi mình sống, thiên nhiên xung quanh.

Chuyến đi nghỉ lại ở lớp lớn diễn ra vào năm cuối cấp của mầm non, cuộc đi chơi xa này kéo dài một đêm hai ngày. Để chuẩn bị cho chuyến đi quan trọng này, nhà trường đã họp phổ biến tỉ mỉ cho phụ huynh từ mấy tháng trước.

Đi đâu? Hoạt động thế nào? Ăn uống cái gì? Nghỉ lại ở đâu? Những thứ cần mang? Những điều lưu ý về sức khỏe, dị ứng của mỗi học sinh, những thắc mắc của phụ huynh… tất cả đều được nhà trường thu thập ý kiến, giải thích cụ thể và chuẩn bị không thể tỉ mỉ hay cẩn thận hơn.

Trong chuyến dã ngoại này, học sinh được phép mang theo chừng 1.000 yên (tiền Nhật) để mua quà mang về cho gia đình, tự mua sắm một vài đồ lưu niệm yêu thích từ nơi các bé đến tham quan, vui chơi.

Tất nhiên, học sinh cũng được chia thành nhóm tổ. Giáo viên cả trường từ thầy hiệu trưởng, nhân viên hành chính đều tham gia chuyến đi này để chia sẻ cũng như giúp đỡ và bảo đảm an toàn cho học sinh. Trước ngày xuất phát cả tuần, hàng ngày phụ huynh phải theo dõi nhiệt độ, sức khỏe của học sinh, ghi vào hồ sơ báo cáo hàng ngày cho nhà trường.

Chuyến dã ngoại này diễn ra vào mùa hè của năm cuối cấp, tạo cho học sinh được xa gia đình tự lập một đêm hai ngày, tham gia 24/24 các hoạt động vui chơi tập thể cùng các bạn của mình. Trên đường đi, học sinh gửi về nhà tấm postcard tự làm, giống y như là một hành trình thú vị vậy.

teddy-picnic-002-8798-1400748004.jpg
Những cuộc dã ngoại của các bé đều được trường lên kế hoạch cẩn thận, tỉ mỉ để tránh những sự cố đáng tiếc xảy ra.

Dã ngoại ở tiểu học và trung học cơ sở

Lên tiểu học thì các hoạt động dã ngoại cũng được tổ chức thường xuyên nhằm phục vụ học tập cũng như tạo điều kiện cho học sinh giao lưu, tiếp xúc với thế giới bên ngoài nhà trường và thực tập hoạt động nhóm, hoạt động tập thể.

Có thể là cuộc dã ngoại ngắn trong một giờ ra xung quanh trường để học về xác định phương hướng, quan sát thực tế về cấu trúc của phố xá, hay là chừng nửa ngày, một ngày đến siêu thị để xem hoạt động của siêu thị ra sao?

Thậm chí, các bé có thể đến đồn cảnh sát để tìm hiểu hoạt động của cảnh sát, đến nhà dưỡng lão để xem người già được chăm sóc ra sao, thực tập ngồi và đẩy xe lăn để hiểu về cuộc sống người tàn tật.

Các bé còn được đến nhà văn hóa cộng đồng, tham quan hoạt động cộng đồng và tham gia một số sinh hoạt về văn hóa dân tộc với các cụ cao niên… Vào các mùa thì có thể là quan sát thiên nhiên, cảm nhận các yếu tố về mùa.

Những cuộc dã ngoại gần thì thầy trò cuốc bộ cùng nhau, có khi cả tiếng đồng hồ. Các cuộc dã ngoại xa thì sẽ đi bằng xe buýt hay tàu điện tới các địa điểm lịch sử, văn hóa, thiên nhiên.

Đây là những dịp học sinh được học hỏi trên thực tế rất nhiều điều, không chỉ là kiến thức, kỷ luật mà còn là ứng xử với bạn bè, với những người xung quanh, cách quản lý chi tiêu (vì học sinh chỉ được phép mang một số tiền hạn chế và chỉ được phép mua trong số đó), luật lệ giao thông, ứng xử nơi công cộng.

Lên lớp 5 và 6, các em có hai chuyến dã ngoại hai đêm một ngày. Đây là những chuyến đi được học sinh rất mong đợi vì phải xa nhà, tự lập (được tự lập, ra dáng người lớn) và có nhiều kỷ niệm với nhau vì được cùng ăn, cùng ở với nhau suốt chuyến đi.

Những chuyến đi thế này được chuẩn bị vô cùng cẩn thận, chu đáo đến từng chi tiết trước cả mấy tháng trời từ chuyện đồ ăn đồ uống, danh sách vật dụng mang đi đầy đủ, sức khỏe….

Mọi băn khoăn lo lắng của phụ huynh đều được giải đáp đến nơi, đến chốn. Việc tổ chức dã ngoại cho các bé rất chặt chẽ và giáo viên quan tâm đến từng yếu tố nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh.

Chính vì được tổ chức chu đáo, tính đến mọi yếu tố ảnh hưởng đến sinh hoạt cá nhân, tâm sinh lý của lứa tuổi, giới tính và an toàn của học sinh nên các chuyến đi đều mang lại niềm vui, những kỷ niệm đẹp cho học sinh và phụ huynh an tâm.

Đặc điểm của các chuyến đi thường là đến những địa danh văn hóa, lịch sử, thiên nhiên và nơi đó không quá khó quản lý cho giáo viên. Những nơi vui chơi đô hội, nhốn nháo, khả năng bao quát khó thường không phải là sự lựa chọn cho các cuộc dã ngoại.

Các trường tiểu học, trung học luôn chú trọng địa điểm dã ngoại mang đến điều gì đó cho học sinh như đó là nơi thiên nhiên an toàn, phong phú, để học sinh học hỏi hay làng nghề truyền thống để học sinh biết về một thời kỳ lịch sử, về một loại sản phẩm độc đáo nào đó của địa phương. Đó có thể là địa danh văn hóa đặc sắc của dân tộc, kể cả đi leo núi thì cũng phải là nơi thích hợp với sức khỏe của học sinh..

Những chuyến dã ngoại được tổ chức chu đáo, cụ thể trước khi đi một thời gian dài nên học sinh ngấm và thấu hiểu những gì được phép và không được phép làm trong chuyến đi nhằm đảm bảo an toàn cho chính mình và từ mỗi cá nhân sẽ ảnh hưởng tới tập thể.

Giáo viên hiểu tâm lý học sinh và biết cách gắn bó, ràng buộc học sinh với tập thể, với những luật lệ của chuyến đi để không có những đáng tiếc xảy ra. Khi ở Nhật, trong chuyến dã ngoại xa một đêm hai ngày thì phụ huynh phải chuẩn bị cơm trưa cho học sinh ở ngày đầu.

Phụ huynh được yêu cầu chuẩn bị suất ăn trong hộp đựng có thể vứt đi sau khi dùng. Ở trường Nhật tại London, học sinh đi dã ngoại xa thì tận 2 đêm xa nhà và bữa trưa các ngày trong quá trình di chuyển nhiều nơi nên học sinh được phép tự mua đồ ăn trưa.

Để chuẩn bị cho điều này, nhà trường giúp học sinh làm quen với chuyện mua đồ ăn từ trước chuyến đi. Học sinh đi dã ngoại hai lần đến hai đô thị khác nhau ở gần trường và tập mua đồ ăn ở các hiệu ăn của người Anh do nhà trường lựa chọn từ trước.

Nhằm tránh bỡ ngỡ lúc ban đầu, các phụ huynh còn được bố trí bí mật ở các quầy phục vụ đế giúp các em ngay khi cần. Và nhà trường sẽ lắng nghe ý kiến các em có những khó khăn gì để có cách hướng dẫn các em tự làm được thông suốt.

Rõ ràng chuyện mua đồ ăn xem ra không có gì là khó khăn quá, nhưng để cho chuyến đi không có trục trặc hay ấn tượng buồn với học sinh nào thì nhà trường đã chu đáo đến thế.

Cá nhân tôi cho rằng, ở Việt Nam, để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra cho con em mình khi đi dã ngoại với nhà trường thì phụ huynh cần yêu cầu nhà trường nắm vững thông tin nơi đến và đòi hỏi nhà trường phải có kế hoạch chu đáo cho con em mình. Cá nhân phụ huynh cũng nên kiểm tra thông tin về nơi đến của cuộc dã ngoại và có những chuẩn bị riêng cho con mình.

Rõ ràng, đi dã ngoại là hoạt động rất tốt, bổ ích cho học sinh, nên nếu vì lý do an toàn cho con em mà không cho trẻ tham gia thì cũng thiệt thòi cho trẻ. Nhưng nếu việc tổ chức không chu đáo thì tất nhiên, tôi không phản đối phương án không cho trẻ tham gia nếu thấy không an toàn vì dù sao sự sống của con em mình vẫn là ưu tiên hàng đầu.

Những cái chết không đáng có của con em do bất cẩn về tổ chức, chuẩn bị sẽ để lại ngoài nỗi đau không bao giờ nguôi ngoai còn là sự day dứt ân hận vì sự lựa chọn của chính mình.