Khi nói đến bệnh răng miệng đa số mọi người chỉ nghĩ đến bệnh sâu răng hay những khó chịu do bệnh sâu răng , viêm nướu gây ra mà ít chú ý đến các thói quen xấu làm ảnh hưởng rất nhiều đến tình trạng răng miệng của bệnh nhân. Thông thường thời gian tác động của các thói quen xấu nầy kéo dài rất lâu mà bệnh nhân không biết, có khi bệnh nhân biết mà không tự sửa chữa được. Việc tập để thay đổi một thói quen xấu rất khó cần phải có sự can thiệp của cha mẹ vì phải chỉnh sửa ngay từ khi trẻ mới thay răng vĩnh viễn. Khi trẻ đã lớn, hàm răng bị lệch lạc, nếu có chỉnh hình răng mà không bỏ thói quen xấu thì sau một thời gian, hàm răng sẽ bị lệch lạc trở lại như cũ.
* Tật thở miệng :
Thường gặp nhất ở trẻ có bệnh về mũi, dị ứng mũi, khiến cho trẻ khó thở mũi và tạo nên thói quen thở miệng. Ban đêm trẻ nằm ngủ cũng thở miệng.
Thở miệng sẽ làm cho hàm răng trên phát triển về phía trước, hàm răng sẽ bị hô , cung răng hàm trên sẽ nhọn hơn, vẫu ra , khớp cắn sâu và cắn hở (open bite), nhóm răng cửa sẽ không cắn khít được.
Thở miệng còn làm cho bệnh nhân dễ bị sâu răng hơn, có nhiều răng sâu hơn bình thường , vì thở miệng làm khô nước bọt, khô miệng sẽ làm hơi thở hôi, răng ở tình trạng không có nước bọt để rửa sạch sẽ dễ bị sâu và mức độ sâu phát triển nhanh và trầm trọng hơn.
Điều trị tật thở miệng rất khó, nhất là cha mẹ của bé phải biết và phát hiện sớm. Đầu tiên là phải chửa bệnh về mũi để trẻ không bị nghẹt đường mũi. Sau đó phải đến bác sĩ chuyên khoa RHM để được tư vấn và điều trị đúng cách. Nếu phát hiện sớm tật thở miệng có thể điều chỉnh được lệch lạc của hàm răng. Tuổi tốt nhất để chỉnh thói quen xấu nầy là từ 9 tuổi đến 15 tuổi.
* Tật bú ngón tay, bú cơm:
Đây là một thói quen thường gặp. Phần lớn trẻ thích bú ngón tay cái, có khi cả hai ngón trỏ và ngón giữa. Một số trẻ có thói quen ăn cơm xay nhuyễn nên khi chuyển sang ăn cơm hạt dễ xảy ra tình trạng bú cơm. Thói quen này gây ra hô hàm trên, làm các răng cửa trước bị xô lệch gây ra khớp cắn hở. Do hàm răng bị hở phía trước bé dễ bị nói ngọng, phát âm không chính xác các âm “sờ”, “chờ”. Mút ngón tay còn ảnh hưởng đến vệ sinh, dễ gây ra bệnh đường tiêu hóa.
Vì là thói quen nên phải có biện pháp giáo dục của cha mẹ cũng như thầy cô giáo. Khi bé còn nhỏ thì động viên, đưa ra các hình thức khen thưởng để bé biết là không được bú tay hay bú cơm nữa, cha mẹ không được la rầy hay chế nhạo ảnh hưởng đến tâm sinh lý của bé. Nếu đã là thói quen thì rất khó bỏ, và phải bỏ từ từ.
Đến tuổi đi học cũng vậy, với trẻ có thói quen bú tay, cha mẹ và cô giáo nên khuyên răn trẻ để trẻ biết thói quen trên là xấu vì nó ảnh hưởng đến hàm răng, làm các răng cửa bị lệch lạc, làm giọng nói bị ngọng.
* Tật cắn môi, mút môi dưới:
Trẻ em thường có thói quen mút môi dưới, giống như bú ngón tay,nhất là trong khi ngủ. Hậu quả của tật cắn môi, mút môi dưới sẽ làm nhóm răng cửa trên nhô ra,cắn không khít, trẻ phát âm không chuẩn. Tật cắn môi cũng dễ bỏ nếu đến tuổi đi học, bạn bè và thầy cô khuyên nhủ trẻ sẽ dần dần bỏ được.
* Tật cắn móng tay, tật cắn viết, cắn bút chì,…
Các thói quen nầy thường gặp ở tuổi đi học, lâu ngày sẽ thành thói quen. Hậu quả là các răng cửa cắn không khít, bị mòn dần, men răng bị mẻ. Răng sẽ bị mất thẫm mỹ, và cũng là một thói quen mất vệ sinh không tốt cho sức khỏe.
* Tật chống cằm:
Ở tuổi đi học, bé cũng hay có thói quen chống cằm trong lúc ngồi học, hậu quả là xương hàm dưới phát triển không đều có thể gây bất đối xứng trên khuôn mặt.
Trong các thói quen xấu trên đây chỉ có tật thở miệng, bú ngón tay và mút môi dưới là thường gây nên lệch lạc rõ ràng cho răng miệng của trẻ. Trẻ em từ 9 đến 15 tuổi nên đi khám Bác sĩ Răng Hàm Mặt để phát hiện, chẫn đoán sớm hàm răng bị lệch lạc và có biện pháp khắc phục. Tùy theo trường hợp nặng ,nhẹ mà bác sĩ Răng hàm mặt có biện pháp điều trị thích hợp. Tuy nhiên phụ huynh, các thầy giáo cô giáo là người trực tiếp giúp trẻ có thể loại bỏ các thói quen xấu này nên đa số việc điều trị có thành công hay không còn lệ thuộc vào việc chấm dứt hẳn các thói quen xấu làm ảnh hưởng đến răng và hàm của trẻ.
( Tổng hợp từ “Chăm sóc răng ban đầu” )