Vùng đất Gò Nổi – nơi xuất thân của nhiều bậc nhân tài anh kiệt, lương tướng năng thần lưu danh trong sử sách như Phạm Phú Thứ, Hoàng Diệu… trong đó có nhà yêu nước Trần Cao Vân – người đã hiến trọn cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, được biết đến như là một trong những “tứ hùng” của miền Trung nước Việt.
Trần Cao Vân sinh năm Bính Dần (1866) tại làng Tư Phú, tổng Đa Hòa (nay là xã Điện Quang, Điện Bàn), trên mảnh đất quê hương giàu truyền thống văn hiến và truyền thống đấu tranh yêu nước cách mạng. Và dường như từ rất sớm, truyền thống quê hương và gia đình đã thấm đẫm vào tâm tính, cốt cách con người ông. Với tư chất thông minh, từ nhỏ ông đã sớm bộc lộ văn tài qua cách ứng đối nhiều tình huống ngay trong lớp học. Năm 17 tuổi (1882), xét khả năng học vấn có thể đổ đạt, ông dự định ra Huế dự thi khoa Nhâm Ngọ, nhưng chẳng may bị bệnh nặng, không thể lên kinh ứng thí.
Bước vào tuổi thanh niên, như bao người con ưu thời mẫn thế khác của xứ Quảng, lại chứng kiến cái chết kiêu hùng của bậc tiền bối Hoàng Diệu, Trần Cao Vân quyết tâm rời bỏ quê hương, rời bỏ mộng khoa cử để dấn thân vào con đường cứu nước.
Năm 1887, sau thất bại của Nghĩa hội Quảng Nam với kết thúc đầy tính chất bi tráng của hai lãnh tụ Nguyễn Duy Hiệu và Phan Bá Phiến, ông tìm cách ẩn mình, vào tu ở chùa Cổ Lâm (làng An Định, nay là xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc) để dễ bề hoạt động. Tại đây, ông đã gặp được một người tâm huyết cùng chí hướng là Thừa Tô (Võ Thạch) – con trai của cai Tổng Trưng ở làng Đại Giang, vốn là bạn học ở trường Huấn với Trần Cao Vân. Năm Tân Mão (1891), chùa Cổ Lâm bị khám xét. Thấy tình thế không thể ẩn mình trong chiếc áo tu hành, ông về làng Đại Giang mở trường dạy học. Cũng năm ấy, do yêu mến nhân cách và học thức của bạn nên ông Thừa Tô đã vun vén để Trần Cao Vân cùng với em gái mình là Võ Thị Quyên thành vợ thành chồng.
Thời kỳ này, thực dân Pháp đã chiếm gần hết cả đất nước và đặt ách đô hộ lên nhân dân ta. Trước tình cảnh nguy nan của đất nước, năm 1892, Trần Cao Vân giã từ quê hương để vào Bình Định, Phú Yên gặp Võ Trứ, cùng nhau lãnh đạo cuộc chống Pháp ở Phú Yên. Cuộc khởi nghĩa do Võ Trứ lãnh đạo thất bại, Võ Trứ và Trần Cao Vân đều bị giặc Pháp bắt giam ở nhà tù Phú Yên. Võ Trứ – người thủ lĩnh khôn ngoan và dũng cảm, nhận hết trách nhiệm về mình. Nhờ vậy, Trần Cao Vân được Pháp thả. Ra khỏi tù, năm 1900, Trần Cao Vân nghiên cứu, khởi xướng thuyết “Trung Thiên Dịch”. Một học thuyết nằm giữa “Tiên Thiên Dịch” của Phục Hy và “Hậu Thiên Dịch” của Văn Vương thời cổ đại Trung Quốc.
Sau khi cuộc khởi nghĩa của Võ Trứ bị thất bại, Trần Cao Vân vẫn tiếp tục bị bệnh trầm trọng. Ông được đệ tử chuyển lên trú tại động Bà Thiêng. Trong lúc Trần Cao Vân bị bệnh tình nguy kịch, vợ ông – bà võ Thị Quyên – đã gửi hai con trẻ – một lên 5 tuổi, một vừa thôi nôi – nhờ người thân thiết chăm nom để lên núi chăm sóc chồng. Bà đã vượt qua muôn ngàn thử thách, lặn lội vào các buôn làng người dân tộc, xin thuốc để chữa bệnh cho nhà chí sĩ cách mệnh.
Sau khi bệnh tật thuyên giảm, Trần Cao Vân tiếp tục dạy học trò và bắt đầu phổ biến thuyết “Trung thiên dịch”. Ông bị bắt và bị kết tội đã phổ biến “yêu thơ, yêu ngôn”, “xúi giục dân làm loạn”, và bị kết án 3 năm khổ sai.
Ngồi tù một năm tại Bình Định, Trần Cao Vân bị di lý về giam tại Quảng Nam thêm hai năm nữa. Sau khi mãn hạn tù, Trần Cao Vân trở về nhà tiếp tục liên hệ với những người cùng chí hướng. Vào lúc phong trào chống thuế năm 1908 bùng nổ ở Quảng Nam rồi lan rộng ra nhiều tỉnh, chính quyền thực dân phong kiến bắt các nhà yêu nước trong phong trào Duy Tân Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thúc Duyện, Lê Bá Trinh, Châu Thượng Văn… Chúng bắt cả Trần Cao Vân. Trần Cao Vân bị kết án chung thân khổ sai đày đi Côn Đảo vào ngày 8 tháng 8 năm Mậu Thân (1908) cùng với các chí sĩ yêu nước khác của đất Quảng.
Nhờ có sự vận động của môn đồ và một số người có cảm tình với Trần Cao Vân ở triều đình Huế nên Trần Cao Vân chỉ bị giam ở Côn Đảo 6 năm rồi được ân xá. Tháng Chạp năm Giáp Dần (1-1914) Trần Cao Vân về đến Hội An. Ngày 30/1 Âm lịch năm Ất Mão (1915) thân sinh ông từ trần. Thu xếp việc nhà xong, người con trung hiếu Trần Cao Vân lại tiếp tục lên đường dấn thân vào sự nghiệp cách mạng và đã liên hệ với những người cùng chí hướng tham gia Việt Nam Quang Phục Hội do Phan Bội Châu lãnh đạo. Trong tổ chức Việt Nam Quang Phục Hội, Trần Cao Vân cùng với Thái Phiên được giao nhiệm vụ bí mật xin hội kiến vua Duy Tân, nhằm vận động vua tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống Pháp. Vua Duy Tân đồng ý tham gia cuộc khởi nghĩa. Theo kế hoạch, cuộc khởi nghĩa sẽ được tiến hành vào lúc 1 giờ sáng ngày 3 tháng 5 năm 1916.
Trần Cao Vân và Thái Phiên được giao chỉ huy khởi nghĩa ở Huế. Nhưng đáng tiếc, cuộc khởi nghĩa đã bị bại lộ từ trước giờ khởi sự. Trần Cao Vân, Thái Phiên và vua Duy Tân cùng những người đồng chí hướng đều bị Pháp bắt. Nhằm bảo vệ tính mạng cho vua Duy Tân, Thái Phiên và Trần Cao Vân nhận lãnh hết trách nhiệm về mình.
Ngày 16 – 4 năm Bính Thìn (tức 17 – 5 – 1916), Cổng Chém An Hòa tại Huế đã ghi nhận khí phách anh hùng vì nước của Thái Phiên và Trần Cao Vân, cùng với hai đồng chí của ông là Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu.
Sau khi bị chém ở bãi An Hòa (Huế), xác của Trần Cao Vân và Thái Phiên bị vùi ngay ở tại nơi bị chém và kẻ địch canh gác rất cẩn mật. Nhưng rồi đến năm 1925, bà Trương Thị Dương, người Quảng Trị – đồng chí cùng hoạt động với Thái Phiên và Trần Cao Vân đã bí mật tìm cách đưa thi hài của hai nhà chí sĩ vào chôn ở vùng mộ tháp của Hòa thượng Kiết Sao thành hai mộ riêng. Khi biết tin thực dân Pháp dò la, bà Trương Thị Dương lại vào Huế đào hai ngôi mộ lên, lấp đất lại như còn nguyên hai mộ cũ, đua hai tiểu sành sang hai bên kia đường, chôn chung hai nhà cách mạng vào một huyệt. Khi Pháp đã rút khỏi Việt Nam, bà Trương Thị Dương cho dựng bia và nói rõ cho con cháu biết.
Ngày 14/7/1990, nước ta có quyết định về giá trị lịch sử của hai ngôi mộ này. Tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng cùng Thừa Thiên – Huế đã tu bổ, tôn tạo ngôi mộ đúng với giá trị lịch sử đã được xếp hạng. Mộ chung Trần Cao Vân và Thái Phiên hiện tọa lạc tại đồi thông Từ Hiếu (Huế), trước chùa Thiên Hỉ.
Cuộc đời và sự nghiệp của Cụ là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước; công lao của Cụ đáng được ghi vào sử sách, là niềm tự hào của dân tộc về một bậc tiền nhân đã từng làm rạng rỡ cho non sông đất nước.
Nhà yêu nước Trần Cao Vân có tên thật là Trần Công Thọ, khi đi thi hương lấy tên là Trần Cao Đệ, lúc vào chùa lấy pháp danh Như Ý; đến khi hoạt động cách mạng thì đổi thành Trần Cao Vân, biệt hiệu Hồng Việt, Chánh Minh và biệt danh là Bạch Sĩ. Thân phụ ông nhà nhà nho Trần Công Trực, một trí thức trọng vọng của làng xã lúc bấy giờ.
Trong tác phẩm “Đứa con phù sa”, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường viết: “Cuộc đời Trần Cao Vân như mọi người đều biết, là một trái tim yêu nước đến vỡ máu cho tới khi dập nát, đối diện với một chuỗi dài những gian khổ và tù đày tưởng như giặc Pháp đã chọn và dành riêng cho ông. Hai mươi tuổi từ biệt gia hương để tìm đường cứu nước. Hai mươi sáu tuổi vào Bình Định chuẩn bị căn cứ chống Pháp. Ba mươi hai tuổi ở tù ngục Phú Yên vì tham gia lãnh đạo cuộc khởi nghĩa “Giặc Rựa”; ba mươi bốn tuổi vào ngục Bình Định và Quảng Nam vì tư tưởng “Trung Thiên Dịch”. Bốn mươi hai tuổi ở tù Côn Đảo vì Phong trào chống thuế. Năm mươi tuổi hy sinh ở bãi chém An Hòa, sau thất bại của cuộc khởi nghĩa Duy Tân. Ba mươi năm chiến đấu dẫm lên hoạn nạn, chủ nghĩa yêu nước đã được Trần Cao Vân đúc kết thành tuyên ngôn và hiệu triệu hành động, vừa trả lời giặc: “Đất sinh người tài giỏi, có quyền đuổi giặc thương dân”.
Tài liệu sưu tầm
BAN BIÊN TẬP
Trần Cao Vân
Thân thế, hành trạng và thơ văn
(Tài liệu sưu tầm)
Trần Cao Vân sinh năm Bính Dần 1866, tên thực là Trần Công Thọ, khi đi thi lấy tên Trần Cao Đệ, khi hoạt động cánh mạng mang tên Trần Cao Vân, lại có pháp danh Như Ý (khi vào tu ở chùa Cổ Lâm thuộc làng An Định, huyện Đại Lộc, Quảng Nam) và các biệt hiệu Hồng Việt,Chánh Minh, Bạch Sĩ…Ông là con trai trưởng của ông Trần Công Trực, ngụ làng Tư Phú, tổng Đa Hòa, phủ Điện Bàn, Quảng Nam, một làng trong mười mấy làng của cuộc đất Gò Nổi, nơi đã sản sinh ra rất nhiều bậc hùng anh xứ Quảng như Hoàng Diệu, Phạm Phú Thứ. Cha ông là một nhà nho, tuy không đỗ đạt nhưng cũng là bậc trí thức trọng vọng của làng xã hồi ấy.
Thiếu thời, Trần Cao Vân nổi tiếng thông minh đĩnh ngộ. Khi 13 tuổi, theo học một cụ Cử, gặp lúc người hàng xóm đến biếu nhà thầy một ít hành hương để làm giống. Bà cụ Cử bảo: “Hành này còn non mà tàn sớm thế này e giống khổng mạnh”. Chữ khổng, giọng Quảng nghĩa là không,như ta nói trỏng là trong ấy, bả là bà ấy…Thầy Cử nghe câu nói chợt nảy ý hay hay, bèn ra câu đối:
– Hành tàn giống khổng mạnh.
Câu đối này có hai nghĩa, một nghĩa nói giống hành mau tàn là giống không mạnh, không tốt. Nghĩa thứ hai chỉ cho người đời khi hành động (hành) hoặc thoái lui (tàng) đều phải theo phép tắc của Khổng Mạnh.Giọng Quảng Nam nói tàn cũng như tàng.
Cậu bé Trần Công Thọ ứng khẩu đối:
– Cải hóa con càn khôn.
Câu đối này cũng có hai nghĩa, một nghĩa thông dụng nói giống rau cải con,đến lúc nó hóa, là nảy nở xanh tốt lên, thì cây cải con ngày càng khôn, nghĩa là cây ngày càng lớn.Nghĩa thứ hai chỉ vào bầu vũ trụ bao la vạn hữu này, từ trời đất núi sông đến muôn sự muôn vật luôn luôn phải tiến,không bao giờ đứng yên một chỗ, hễ cùng thì biến,biến tất thông.Làm người phải hành động cũng như phải sống theo cuộc tiến hóa ấy,cái gì thích hợp thì duy trì, cái gì không thích hợp thì đào thải, không có cái gì là bất biến mà phải luôn được cải hóa, làm mới. Người như vậy mới thông đạt sự lý, xứng đáng đứng giữa càn khôn mà chuyển xoay thế sự. Trần Công Thọ cũng dùng giọng Quảng Nam để lập lờ giữa càn và càng. Thật là một khí phách phi thường không đợi tuổi của một cậu bé mười ba.
Khi bước vào tuổi thanh niên, như bao người con ưu thời mẫn thế khác của Xứ Quảng, lại chứng kiến cái chết kiêu hùng của bậc tiền bối Hoàng Diệu, Trần Cao Vân quyết tâm rời bỏ quê hương, rời bỏ mộng khoa cử hư danh để dấn thân vào con đường cứu nước. Bước chân bôn đào của ông đã đến với xứ Bình Định, Phú Yên để cùng Võ Trứ làm nên cuộc nổi dậy gọi là giặc Võ Trứ hay giặc Thầy Chùa, còn gọi là giặc Rựa (vì người tham gia đều ẩn náu dưới danh nghĩa sư sãi, vũ khí toàn giáo mác, rựa dao) năm 1898. Thất bại, Võ Trứ can đảm nhận hết tội trạng về mình rồi bước ra pháp trường, cứu được nhiều anh em đồng chí, trong đó có Trần Cao Vân, tuy rằng ông cũng bị giam giữ xét hỏi 11 tháng ròng.
Ở Bình Định hai năm, Trần Cao Vân lại vướng vào vòng lao lý với vụ án Trung Thiên Dịch (1900). Nguyên Dịch học có hai trường phái, Tiên Thiên Dịch do Phục Hy làm ra, Hậu Thiên Dịch do Châu Văn Vương soạn thành, Chu Công (con Văn Vương), Khổng Tử phụ thêm các phần Hào từ, Thoán từ, Văn ngôn, Hệ từ, Thuyết quái, Tự quái, Tạp quái…để bàn cho rộng và rõ thêm nghĩa của Dịch…Dịch học là một hệ thống triết học cổ đại mà người Trung Hoa ngày nay rất tự hào (tuy có một số học giả Việt Nam như Kim Định… chứng minh là Dịch có nguồn gốc Bách Việt vì chỉ có 64 quẻ mà quán thông tất cả nguyên lý trong trời đất và xã hội loài người. Vốn là người tinh thông dịch lý, Trần Cao Vân nghiên cứu hai lý thuyết dịch Tiên Thiên Hậu Thiên để sáng tạo ra Trung Thiên Dịch, với ý nghĩa lấy con người đứng giữa trung tâm trời đất, là Tài quan trọng nhất trong Tam Tài Thiên Địa Nhân.Tương truyền Trung Thiên Dịch của ông rất được dân chúng ngưỡng mộ, họ còn đồn rằng Trần Cao Vân, nhờ tài bói dịch, có thể xuất quỷ nhập thần, đoán định được cơ trời.
Chuyện đến tai Bố Chánh Bình Định Bùi Xuân Nguyên. Vốn không ưa Trần Cao Vân qua cuộc nổi dậy của Võ Trứ hai năm trước mà không có bằng cớ buộc tội, nay thấy dân chúng tin theo ông, e sợ sẽ có một cuộc nổi dậy nữa, Nguyên bèn ra lệnh bắt giam Trần Cao Vân,tiêu hủy hết Dịch đồ Trung Thiên Dịch. Cho đến nay, hậu sinh chúng ta không biết gì về đồ hình thuyết lý của ông. Tiếc thay.
Một năm tù ở Bình Định , rồi hai năm di lý về giam tại Quảng Nam. Trần Cao Vân ra khỏi ngục tù, làm một túp nhà tranh nhỏ ngoài cửa hậu thành Quảng Nam, tiếp tục kết giao bạn đồng chí mưu sự cứu nước.
Năm 1908, nhân sự kiện chống sưu thuế của dân nghèo miền Trung,cùng với Phan Châu Trinh,Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế…Trần Cao Vân lại bị bắt, kết án đày đi Côn Đảo hết 6 năm.
Năm 1914, vừa ra tù,gặp ngay đại tang phụ thân qua đời, người con trung hiếu Trần Cao Vân chỉ kịp về thọ tang cha vài tháng lại vội vã lên đường dấn thân vào sự nghiệp cách mạng. Lần này hưởng ứng lời kêu gọi từ hải ngoại của cụ Phan Bội Châu là người chủ trương bạo động đánh đuổi giặc Pháp qua việc thành lập Việt Nam Quang Phục Quân (tổ chức này đã làm nên binh biến Thái Nguyên 1917 của Trịnh Văn Cấn). Trần Cao Vân cùng Thái Phiên, Phan Thành Tài, Lê Ngung…ráo riết vận động anh em lính khố xanh mưu sự khởi nghĩa khắp 5 tỉnh miền Trung. Lãnh tụ khởi nghĩa đã diện kiến Vua Duy Tân, một vị vua trẻ yêu nước để móc nối, mời vua tham gia khởi nghĩa và được nhà vua hăng hái chấp thuận tham gia. Buổi gặp gỡ giữa Duy Tân và Trần Cao Vân trong bộ dạng người đi câu đã được Ưng Bình Thúc Giạ thị cảm khái trong bài thơ tuyệt cú:
Chiều chiều trước bến Văn Lâu
Ai ngồi ai câu
Ai sầu ai thảm
Ai thương ai cảm
Ai nhớ ai trông
Thuyền ai thấp thoáng bên sông
Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non
Ai ngồi ai câu chỉ Vua Duy Tân, còn thuyền ai thấp thoáng là thuyền của Trần Cao Vân đậu sẵn để chờ diện kiến nhà vua.
Theo kế hoạch, đêm mồng 3/5/1916 (mồng Một tháng Tư năm Bính Thìn), khởi nghĩa sẽ nổ ra bắt đầu từ Huế,rồi phát lệnh cho Quảng Bình,Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi nhất tề nổi dậy hưởng ứng. Các yếu nhân khởi nghĩa sẽ bí mật rước vua Duy Tân vào căn cứ phát hịch kháng chiến lâu dài. Trần Cao Vân tuy chưa đồng tình với thời điểm khởi nghĩa (ông dự định khởi nghĩa vào giờ Ngọ, ngày Ngọ, tháng Ngọ tức là ngày mồng 2 tháng 5 năm Bính Thìn ,nhằm ngày 8 tháng 6 năm 1916), nhưng trước khí thế lên cao của phong trào,và sự thôi thúc của hoàng đế Duy Tân, ông đành chấp nhận và lên kế hoạch tỉ mỉ cho cuộc nổi dậy.
Tuy nhiên, vì một sơ suất từ Quảng Ngãi, kế hoạch bị bại lộ.Các lãnh tụ khởi nghĩa như Trần Cao Vân, Thái Phiên, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu cùng vua Duy Tân bị bắt. Cuộc nổi dậy ngỡ như long trời lở đất đã không xảy ra.
Trần Cao Vân nhận hết lỗi về mình. Từ trong ngục, ông viết thư gửi đại thần Hồ Đắc Trung, mong bảo toàn sinh mạng cho nhà vua trẻ tuổi, để rồi ngày 17/5/1916 nhằm ngày 16/4 năm Bính Thìn ông cùng các đồng chí của mình ra pháp trường An Hòa, hiến trọn cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Nhà chí sĩ Trần Cao Vân hai mươi tuổi thoát ly gia đình, hai mươi bảy tuổi bước chân vào cuộc tranh đấu, ba mươi ba tuổi vào ngục Phú Yên, ba mươi lăm tuổi vào ngục Bình Định và Quảng Nam, bốn mưoi ba tuổi vào ngục Côn Đảo, đến năm năm mươi mốt tuổi anh dũng đền nợ non sông. Thật khí phách và đáng tự hào thay.
Một số bài thơ tiêu biểu của Trần Cao Vân.
Vịnh bàn cờ thắng
Đừng quen pháo mạnh vọt ngang cung
Mệnh tướng truyền ra sĩ vẫy vùng
Voi ngự thân chinh mang mở nước
Binh triều ngự giá giục sang sông
Xe liên vạn sát kinh tài cả
Mã nhựt song trì mặc sức tung
Sau trước trong tay rành rỏi nước
Cờ cao Hán Tổ dễ đua cùng.
Vịnh Hòn Ông Hòn Bà (Phú Yên)
Đất nén trời nung khéo định đôi
Hòn chồng Đực Cái sánh hai ngôi
Ông xây nên đống cây trồi mụt
Bà đúc y khuôn đá mọc chồi
Mây núi phủ giăng màn tịnh túc
Nước khe hầu rót chén giao bôi
Non thề giai lão trơ trơ đấy
Gió chẳng lung lay sóng chẳng nhồi.
Vịnh con tôm
Loài ở lộn bùn cũng mọc râu
Ngo ngoe nỏ biết mốc gì đâu?
Cong lưng cứ ỷ tài đâm bắn
Lõ mắt khôn dò lạch cạn sâu
Ngoài ủ xôm xôm càng múa gọng
Trong oi trồi sụt đít co đầu
Giỡn rồng ta bảo đừng quen thói
Một nhũi là xong lựa tát,câu.
Vịnh vợ chồng lái đò
Mặc ai chài lưới chẳng thèm lo
Chưa gặp thời âu tạm chống đò
Sông rộng lão toan cầm lái vững
Lạch sâu mụ hãy cắm sào đò
Dân trời đưa rước ngày thong thả
Lộc nước ăn nhờ bữa ấm no
Buồm thuận gió hồng khi đỗ bến
Vợ chồng một giấc ngáy kho kho.
Người trộm mộ Trần Cao Vân và Thái Phiên
Hai nhà chí sĩ Trần Cao Vân và Thái Phiên đã vì yêu nước, mưu cầu việc khởi nghĩa để lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp mà phải lên đoạn đầu đài. Sự hy sinh của hai nhà cách mạng này không người Việt nào là không biết. Nhưng việc bí mật trộm xác của hai nhà yêu nước này thì không phải ai cũng biết.
Trong ngày hai chí sĩ Trần Cao Vân và Thái Phiên ra pháp trường (tại An Hoà, phía Bắc kinh thành Huế), có một nữ đồng chí đã bí mật theo dõi; và từ đó, đã luôn quan phòng ngôi mộ của hai nhà yêu nước.
Suốt 9 năm (1916-1925), bà Trương Thị Dương, người làng Tân Điền, phủ Hải Lăng, Quảng Trị, đã luôn nung nấu ý nguyện “trộm hài cốt” của hai chí sĩ đã vì Tổ quốc hy sinh. Bà là đồng chí của hai nhà yêu nước trong Duy tân Hội, thường được gọi là bà Bát Mang, giữ nhiệm vụ giao liên giữa nhà vua và hai nhà cách mạng.
Về việc trộm hài cốt, bà Trương Thị Dương cũng kể lại rõ ràng:
“Ngày mùng 5 tháng 5 năm Ất Sửu (25.6.1925), tôi cùng đứa cháu gọi tôi bằng dì, là Đặng Khánh Di, đến chùa Đại Trung gặp ông Nguyễn Hữu Cảnh, trị sự chùa. Ông Cảnh giục tôi đi ngay. Ba giờ sáng hôm sau, chúng tôi đi thẳng tới chỗ di hài của hai cụ. Người giữ nấm mộ ấy là Thù Tỵ, y có người con bị bệnh, nên làm chòi ở ngay bên cạnh mộ, vừa giữ mộ vừa trông con. Tới nơi, tôi cho thằng nhỏ bị bệnh ấy 3 đồng, trả cho Thủ Tỵ 6 đồng, và thuê 5 người nữa cùng với Thủ Tỵ, 24 đồng, nói trớ đó là mộ của ông chú tôi. Hốt hài cốt lên, tôi lấy giấy tinh (loại giấy trắng dùng viết chữ Hán) bỏ vào hai thùng đầy, rồi lánh qua cửa Chánh Tây ngồi đợi. Sau đó, ông Thủ Tỵ bảo phải gánh cốt qua cửa Chánh Tây thì mới trả đủ tiền, vì chỉ mới trả trước 12 đồng. Nhận được hài cốt, tôi trả đủ tiền rồi thuê hai chiếc xe kéo; một chiếc chở tôi và hai hũ hài cốt, một chiếc chở Đặng Khánh Di và Nguyễn Hữu Cảnh. Đến chùa Châu Lâm, tôi đặt hài cốt lên bàn, thắp hương ngồi canh giữ. Đến sáng, tôi nhờ Trùm Ngữ mua hai tiểu sành cùng giấy tinh; lại thuê gánh nước đến, tôi rửa sạch hài cốt hai cụ. Lúc bị chém, cụ Trần mặc áo vải dù, vải còn dính sát vào cốt. Tôi thuê người đào huyệt và đắp nấm mộ, hết 4 đồng. Ai dè, mới cải táng được 11 ngày thì Thừa Phủ hay tin, phái lính đến canh giữ chặt hai ngôi mộ. Nhờ có người báo tin, qua ông Nguyễn Hữu Cảnh, trị sự tại chùa, tôi thừa lúc đêm khuya, thuê 4 người, đào lên, đem hài cốt hai cụ chôn nơi khác, nhưng để tránh sự dòm ngó, chôn thành một nấm. Ở chỗ mộ cũ, tôi vẫn cho đắp lại thành nấm tử tế, rào giậu trở lại kỹ càng, làm như chưa từng có ai đụng chạm đến”.
Bà Trương Thị Dương đã qua đời ngày 27 tháng 6 năm Đinh Dậu (14.7.1957) tại quê nhà. Còn Hòa thượng chùa Châu Lâm là ai? Trong câu chuyện kể, bà Trương Thị Dương có nhắc đến chùa Châu Lâm, là ngôi chùa nằm ở phía sau núi Ngự Bình. Thật ra, Hòa thượng chùa Châu Lâm, ngôi chùa có mộ hai nhà chí sĩ Trần Cao Vân và Thái Phiên, cũng là một đồng chí trong Việt Nam Quang Phục Hội. Sau vụ khởi nghĩa của vua Duy Tân thất bại vì cơ mưu bại lộ, người đồng chí trẻ này đã tìm cách ẩn thân nơi cửa Phật; đồng thời làm nhiệm vụ săn sóc ngôi mộ của hai nhà yêu nước.
Là lớp hậu sinh, và là người xứ Quảng, quê hương của cụ Trần Cao Vân, chúng ta nên biết một vài chi tiết quan trọng:
Thứ nhất, bà Trương Thị Dương, do lo sợ người Pháp tìm ra ngôi mộ của hai nhà yêu nước, nên đã cải táng ở một nơi chật hẹp, giữa mồ mả của dân chúng, trong khuôn đất chùa Châu Lâm, vào năm 1925. Phải qua 65 năm, mãi đến năm 1990, ngôi mộ của hai chí sĩ Trần Cao Vân – Thái Phiên mới được dời về trên một ngọn đồi nằm ở phía tay phải chùa Từ Hiếu, và được trùng tu theo tiêu chuẩn “di tích lịch sử”, đẹp đẽ, khang trang. (Năm 2012, chúng tôi đã đi tìm và thắp hương kính bái trước mộ hai nhà yêu nước này, và cũng đã khá vất vả mới tìm ra được mộ, nên thiết tưởng ngành văn hóa tỉnh Thừa Thiên Huế cần có bảng chỉ dẫn đường vào mộ hai chí sĩ Trần Cao Vân – Thái Phiên, để những người muốn chiêm bái mộ hai cụ không quá mất công sức tìm kiếm).
Thứ hai, các sách báo xưa nay đều cho rằng hai chí sĩ Trần Cao Vân – Thái Phiên, cùng những người có liên quan đến cuộc khởi nghĩa của vua Duy Tân năm 1916, đều là người trong Việt Nam Quang Phục Hội. Sự thực, kế hoạch phò tá vua Duy Tân làm cuộc khởi nghĩa được đưa ra vào năm 1915 và thất bại vào năm 1916. Còn Việt Nam Quang Phục Hội là danh xưng chỉ được đưa ra sau đó một năm, tức năm 1917. Cũng cần nhớ rằng, Duy tân Hội có tiền thân là “Hội Cứu Quốc”, là hội được thành lập năm 1904, tại Nam Thịnh sơn trang của ông Ấm Hàm, tức cụ Tiểu La Nguyễn Thành. Tại cuộc đại hội ở Nam Thịnh sơn trang, cụ Tiểu La đã đưa ra một kế hoạch hành động, được tất cả các nhà yêu nước tham dự đại hội tán đồng. Cụ Phan Bội Châu, trước đó, từ năm 1899 đến năm 1900, đã tạm trú tại nhà thân sinh chí sĩ Võ Bá Hạp, người sau đó đã che giấu để chăm sóc cụ Tăng Bạt Hổ tại nhà, vì cụ Tăng bị bệnh nặng; rồi khi cụ Tăng qua đời, gặp lúc lũ lụt, nên cụ Võ Bá Hạp phải mượn chiếc thuyền của một viên lãnh binh yêu nước để đưa quan tài cụ Tăng Bạt Hổ đi an táng ở gò Côn Kê, ấp Thế Lại Thượng, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, mà người Pháp vẫn không hề hay biết. Như thế, cho tới ngày cụ Tăng Bạt Hổ qua đời, cũng chỉ một mình chí sĩ Võ Bá Hạp lo việc hậu sự. Cái tình của người xưa sao mà nặng! Sau thời gian sống tại nhà thân sinh chí sĩ Võ Bá Hạp, cụ Phan Bội Châu mới vào Thăng Bình (Quảng Nam) tham dự đại hội tại Nam Thịnh sơn trang. Đại hội này đã lập ra “Hội Cứu Quốc”; rồi năm sau (1905), khi cụ Phan Bội Châu gặp Tôn Trung Sơn ở Nhật, mới đổi tên “Hội Cứu Quốc” thành Duy tân Hội.
Chúng tôi xin nhắc nhớ lại giai thoại này, như một nén tâm hương tưởng niệm anh linh nhà cách mạng đã hy sinh vì đại nghĩa dân tộc.
TẦN HOÀI DẠ VŨ
Để CMHS và học sinh có thêm tư liệu về hai chí sĩ Trần Cao Vân và Thái Phiên, Ban biên tập website trường Tiểu học Trần Cao Vân xin phép tác giả được trích đăng tư liệu này vào trang Tiểu sử cụ Trần Cao Vân. Xin trân trọng cám ơn!